Monday, November 3, 2014

CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ



CÁC THUỐC ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

BS Nguyễn Tuấn Khôi

  (đã đăng báo Thuốc và Sức Khỏe thang12/2014, bút danh BS NGUYÊN DUY)


Hơn 60 năm qua kể từ khi thuốc điều trị ung thư đầu tiên nitrogen mustard được dùng để trị bệnh ung thư hạch (limphôm) đã có thêm hàng ngàn thuốc điều trị ung thư ra đời. Cơ chế hoạt động của các thuốc này như thế nào? Hiệu quả điều trị tới đâu?

 
Ung thư cũng tạo nên bởi rất nhiều tế bào như các cơ quan bình thường trong cơ thể, vì vậy một loại thuốc điều trị ung thư phải có khả năng tiêu diệt những tế bào ung thư mà không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít đến tế bào bình thường.
Nguyên tắc lớn để tìm ra thuốc trị ung thư là tìm ra sự khác biệt giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường, thuốc sẽ “tấn công” vào sự khác biệt này.
ooo
Khác biệt đầu tiên được nhận ra là: Tế bào ung thư sinh sản rất nhanh còn tế bào bình thường sinh sản chậm hơn. Khai thác sự khác biệt này người ta đã tìm ra một số chất có thể diệt được các tế bào ung thư khi chúng đang sinh sản, tế bào sinh sản càng nhanh càng bị tiêu diệt nhiều. Nhóm thuốc này gọi là cytotoxic agent (thuốc gây độc tế bào) hay còn gọi là chemotherapeutic drug (hóa chất trị ung thư). Phương pháp điều trị này gọi là chemotherapy (hóa trị ung thư).
Tế bào sinh sản bằng cách tự phân đôi thành 2 tế bào (gọi là nguyên phân). Trước khi và trong khi tự phân đôi trong tế bào có rất nhiều hoạt động diễn ra; thuốc hóa trị ung thư sẽ cản trở (ức chế) một trong các hoạt động này làm cho tế bào không thể phân đôi được hoặc có phân đôi thì cũng thành hai tế bào bất thường rồi tự chết.

Tuy nhiên hóa trị ung thư đã gặp phải “3 tảng đá lớn” cản đường phát triển:
  1. Sinh sản nhanh không phải là đặc tính riêng cho tế bào ung thư, một số tế bào trong cơ thể như tế bào tạo máu ở tủy xương cũng có. Vì vậy hóa trị nếu dùng liều cao hoặc kéo dài nhằm mục đích diệt ung thư tối đa sẽ gây tác dụng phụ nguy hiểm như giảm bạch cầu đưa đến nhiễm trùng có thể tử vong hoặc giảm tiểu cầu có thể dẫn tới xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não…
  2. Tế bào ung thư đề kháng với hóa trị
  3. Theo cơ chế của hóa trị, thuốc chỉ tiêu diệt tế bào trong khối u theo tỉ lệ phần trăm; vì vậy không bao giờ số lượng tế bào của khối u sau hóa trị bằng 0 hay nói cách khác: chỉ dựa vào hóa trị  không bao giờ chữa khỏi bệnh ung thư hoàn toàn.
ooo
Một số loại ung thư có tế bào tăng sinh nhanh hay chậm tùy thuộc vào một loại nội tiết tố (hormone)của cơ thể. Nếu không có nội tiết tố này tế bào ung thư sẽ không phát triển được.
 Như vậy nếu dùng các chất chống lại hoạt động của nội tiết tố này có thể làm khối u ngừng phát triển. Phương pháp điều trị này gọi là hormonetherapy (điều trị nội tiết)
TD: Một loại nội tiết tố có tên là estrogen được tiết vào trong máu bởi buồng trứng hoặc tuyến thượng thận làm tăng sinh ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung. Dùng các thuốc kháng estrogen có thể làm chậm diễn tiến của hai loại ung thư trên.
ooo
-          Vì sao các tế bào ung thư lại: tăng sinh rất nhanh?  rất hay theo dòng máu để di căn xa? dường như là bất tử? làm tăng sinh mạch máu quanh nó rất nhiều? (trong khi đa số các tế bào bình thường sẽ phát triển, già đi rồi chết).
Những năm gần đây, sinh học phân tử đã tiến bộ rất nhiều, nhờ vậy người ta có thể biết được sở dĩ tế bào ung thư có những đặc tính đó là do trong tế bào ung thư có hệ thống gồm một chuỗi gồm nhiều gien hoạt động theo lối dây truyền thúc đẩy phát triển của ung thư gọi là oncogenic driver (hệ thống định hướng phát triển ung thư). Khi các các hệ thống này khi bị kích thích (do có một yếu tố nào đó kích thích hoặc do chính gien trong hệ thống đó bị đột biến), chuỗi này sẽ hoạt động rất mạnh mẽ qua từng “mắt xích” để cuối cùng tạo ra nhiều yếu tố kích thích ung thư phát triển.
TD: EGFR (epithelial growth factor receptor) là một thụ thể nằm ở màng tế bào ung thư phổi, khi gien tạo ra thụ thể này bị đột biến thì thụ thể này trở nên hoạt động mạnh mẽ khởi động một chuỗi phản ứng qua nhiều “mắt xích” hướng từ ngoài màng tế bào vào trong nhân, kích thích DNA tạo ra những chất làm cho ung thư phát triển. 

Mỗi mắt xích trong chuỗi phản ứng (oncogenic driver)này là một mục tiêu quan trọng (target) để tìm ra thuốc trị ung thư tác động lên đó. Phương pháp điều trị này gọi là target therapy (điều trị đúng mục tiêu).
ooo
Một sự khác biệt nữa của tế bào bào ung thư so với tế bào bình thường là tế bào ung thư chỉ  tăng sinh khi có sự tăng sinh mạch máu. Các thí nghiệm cho thấy nếu không có sự tăng sinh mạch máu thì một tế bào ung thư không thể nào phát triển thành một khối bướu lớn hơn 2mm! Các thuốc cản trở sự sinh mạch còn gọi là thuốc chống sinh mạch sẽ làm khối u không phát triển, phương pháp điều trị này gọi là antiangiogenesis (chống sinh mạch). Điểm đặc biệt của thuốc chống sinh mạch là không cần tác động lên tế bào ung thư, chỉ  bằng cách làm ngưng sự sinh mạch, khối u sẽ ngừng phát triển.
ooo
Tế bào ung thư cũng là tế bào của chính cơ thể nhưng đã bị đột biến trong gien khiến chúng trở nên tế bào bất thường. Như vậy đối với cơ thể chúng cũng là tế bào lạ. Tất cả các tế bào lạ trong cơ thể đều bị hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện và loại trừ qua một chuỗi đáp ứng sinh học thông qua một số tế bào của hệ thống miễn dịch và qua nhiều chất hóa chất trung gian.
Tại sao các tế bào ung thư lại không bị hệ thống miễn dịch trong cơ thể phát hiện và loại trừ?
Tế bào ung thư có thể hãm lại chuỗi đáp ứng miễn dịch của cơ thể bằng cách cản trở hoạt động tại một số điểm đặc biệt của chuỗi này, các điểm đặc biệt này gọi là immune checkpoint (trạm kiểm soát hoạt động miễn dịch) và làm ngưng trệ hoạt động của chuỗi này. Dùng một loại thuốc thuộc loại kháng thể (mAb) để chống lại hoạt động của tế bào ung thư tại trạm soát miễn dịch này là là một phương pháp điều trị rất mới gọi là immunotherapy (điều trị miễn dịch).
ooo
Như vậy, thuốc điều trị ung thư hiện nay có thể xếp vào các nhóm sau:
  1. Hóa chất điều trị ung thư
  2. Thuốc kháng nội tiết
  3. Thuốc điều trị đúng mục tiêu
  4. Thuốc chống sinh mạch
  5. Thuốc nhắm vào hệ thống miễn dịch
Cơ chế và hiệu quả điều trị ung thư của các thuốc này sẽ lần lượt được trình bày trong các kỳ sau.
BS NGUYÊN DUY



No comments: