Thursday, November 20, 2014

XẠ TRỊ LÀ GÌ ?

 


BS Nguyễn Tuấn Khôi

(đã đăng báo Thuốc và Sức Khỏe, bút danh BS NGUYÊN DUY)


Lâu lâu tôi trong khi khám bệnh thường bắt được những câu hỏi lạ nhưng rất lý thú của bệnh nhân hay thân nhân của bệnh nhân. Vì lý thú và lạ nên có khi tôi mất nhiều thời gian không phải để khám bệnh mà để giải thích cho đến tận cùng cho người ta hiểu rõ. Như câu hỏi này đây:





-          Thưa bác sĩ tôi nghe nói y khoa hiện nay rất hiện đại, người ta chế được loại dao mổ có thể cắt được mọi loại khối u kể cả những loại u khó đến nỗi nếu mổ bằng dao mổ thường thì bác sĩ  “sừng sỏ” cũng phải “bó tay”, không biết bệnh viện ở Việt Nam mình có nhập về chưa?
-          Làm gì có chuyện đó, loại dao lợi hại như vậy trong giới y khoa tôi chưa nghe nói đến.
-          Tôi có đọc trên báo, trên mạng đàng hoàng, không phải tôi nghe tin đồn đâu bác sĩ. Để tôi nhớ thêm coi,  à đúng rồi, dao gamma.
-          À thì ra! Ông nói vừa đúng lại vừa sai. Đúng là có loại “dao” đó thiệt, gọi là gamma knife nhưng không phải là con dao mổ cầm gọn trong tay mà đó là  một máy xạ trị khổng lồ.
-          Nhưng xạ trị là gì thưa bác sĩ?
Biết là gặp câu hỏi phức tạp: giải thích A thì đụng phải B, C; giải thích B, C thì  đụng E,F, G.H… Thấy người bệnh cũng là người hiểu biết và ham hiểu biết, nhìn đồng hồ lại thấy còn sớm, quan trọng nhất là đã hết bệnh nhân rồi nên tôi quyết định giải thích cho ông này đến tận cùng.
-          Xạ trị là gì?
-          Là dụng các tia có năng lượng cao để huỷ diệt tế bào ung thư. Tia X, tia gamma, hạt mang điện. Dùng
máy chiếu tia từ ngoài vào cơ thể gọi là xạ trị ngoài. Dùng chất phóng xạ đặt vào trong cơ thể -VD đặt vào âm đạo trong điều trị ung thư cổ tử cung- để phát tia phóng xạ đến các mô xung quanh gọi là xạ trị trong. Có khi dùng chất phóng xạ như là thuốc, uống vào thuốc theo máu đi khắp nơi trong cơ thể một số loại u hay “bắt” loại thuốc này, bắt xong chúng sẽ bị huỷ diệt- VD uống I- ốt phóng xạ để trị bệnh ung thư tuyến giáp.
-          Làm sao xạ trị có thể huỷ diệt khối bướu được?
-          Xạ trị phá huỷ DNA, DNA nằm trong nhân tế bào, có thể xem như “linh hồn” của tế bào, nắm toàn bộ thông tin di truyền của con người. Khi DNA bị hư hại, tế bào ung thư có thể chết hoặc không thể phân chia ra tế bào con. Tế bào ung thư chết sẽ rã ra rồi bị cơ thể thải ra ngoài.
-          Xạ có gây trị hại đến tế bào bình thường không?
-          Có. Xạ trị cũng gây huỷ diệt những tế bào bình thường quanh khối u gây ra tác dụng phụ. Bởi vậy trước khi xạ trị bác sĩ phải tính toán liều lượng xạ trị, vùng được chiếu xạ (còn gọi là trường chiếu) để sao cho bướu nhận tia nhiều nhất tế bào bình thường nhận tia ít nhất. Khi xạ trị ở vùng đầu phải coi chừng mắt, xạ trị có thể làm mù mắt nếu không được che chắn cẩn thận khi xạ trị. Mỗi cơ quan đều có một sức chịu đựng đối với tia phóng xạ khác nhau gọi là liều tối đa chịu đựng. Nếu quá liều này, cơ quan bị chiếu xạ có thể bị thiệt hại. VD: xạ trị vào cột sống quá liều làm cho tủy sống bị tổn thương sẽ bị liệt tay chân; Xạ trị vào phổi quá liều sẽ làm phổi bị xơ hóa
-          Như vậy kỹ thuật xạ trị phải cao lắm?
-          Không sai! Trước khi xạ trị bác sĩ chuyên về xạ trị phải làm một công việc quan trọng và tỉ mỉ đó là mô phỏng, còn gọi là vẽ tia. Dùng máy CT để thấy được khối u và các cơ quan lân cận nằm bên trong cơ thể để từ đó định ra một vùng chiếu xạ còn gọi là trường chiếu bao phủ khối u rồi đánh dấu vùng này trên da bệnh nhân bằng một thứ bút mực khó tẩy xoá hoặc xâm trên da vì xạ trị sẽ kéo dài nhiều tuần. Sau khi vẽ tia xong, toàn bộ thông số sẽ được phần mềm vi tính tính liều xạ trị.
Bệnh nhân sẽ được xạ trị từ 10 đến 30 ngày tùy loại bệnh, mỗi ngày sẽ nằm trong phòng cách ly để máy xạ trị chiếu vào cơ thể khoảng 5-10 phút mỗi ngày rồi ra khỏi phòng, có thể tiếp xúc với mọi người mà không sợ “lây” phóng xạ cho người khác.
Cò xạ trị trong thì bệnh nhân phải nằm trong phòng cách ly 24/24 trong vài ngày.
Phòng xạ trị là một loại phòng đặc biệt, vách tường được lót bằng các vật liệu cản tia phóng xạ, thường là chì, bác sĩ xạ trị sẽ theo dõi bệnh nhân qua camera bên trong phòng nối với máy vi tính ở phòng bên ngoài.
-          Bệnh nhân vào bệnh viện có khi được phẫu thuật, có khi hóa trị, có khi xạ trị lại còn có những trường hợp kết hợp cả ba thứ này nữa chứ. Vậy khi nào thì bệnh nhân được xạ trị?
-          Xạ trị giống phẫu thuật ở chỗ nó là một cách điều trị tại chỗ tức là máy phóng xạ chiếu một chùm tia bao phủ một vùng nhỏ mang bướu – khác với hóa trị là cách trị bệnh toàn thân tức là thuốc hóa trị sẽ đi khắp mọi nơi trong cơ thể. Vì vậy xạ trị sẽ thay thế cho phẫu thuật trong một số trường hợp đặc biệt.
Ung thư amiđan chẳng hạn, mổ cắt bỏ amiđan? dễ - nhưng ung thư thì phải mổ cắt rộng quanh amiđan thì phẫu thuật phải chịu thua vì nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng đến việc phát âm, nuốt, thẩm mỹ của bệnh nhân. Phải  cần đến xạ trị.
Khối u trong não, ở quá sâu hoặc ở vùng quan trọng,phẫu thuật? khó, có khi nguy hiểm. Xạ trị hoặc đặc biệt hơn là dao gama là cách điều trị hay hơn nhiều.
Có khi xạ trị được dùng để “bù đắp” cho những khiếm khuyết của phẫu thuật. Những ung thư được mổ chưa đủ rộng, có thể tái phát, sau mổ cần phải xạ trị thêm để ngăn ngừa tái phát gọi là xạ trị bổ túc hay xạ trị hỗ trợ.
Vậy thì xạ trị hay hơn phẫu thuật nhiều!
-          Nói vậy thì không đúng. Nếu như phẫu thuật, chỉ trong vài giờ bác sĩ có thể lấy trọn khối u thì ngược lại xạ trị phải mất nhiều tuần, không phải trường hợp nào sau xạ trị bướu cũng nhỏ đi hoặc mất hẳn. Những trường hợp biến mất hoàn toàn sau xạ trị thì hiếm, nói chung tỉ lệ  đáp ứng đối với xạ trị đa số là dưới 50%.

2 comments:

Anonymous said...

Có lẽ Bác sĩ không đủ thời gian nên chưa giải thích đến cùng của câu hỏi, đó là "dao gamma" hay "xạ phẫu".
Các phương pháp xạ trị mà Bác sĩ mô tả gồm có uống đồng vị phóng xạ có xu hướng tập trung vào loại mô cần điều trị (như iod vào tuyến giáp), xạ trị áp trong, xạ trị ngoài... Cách xạ trị ngoài được mô tả là xạ trị phân mảnh (fractionated) tức là chia nhỏ liều lượng phóng xạ ra và áp dụng nhiều ngày.
Còn "xạ phẫu" hay "dao gamma" bản chất vẫn là xạ trị, dùng tia có năng lượng cao để tiêu diệt khối u, nhưng liều lượng lớn và giải quyết trong 1 lần can thiệp (nên ví như phẫu thuật, do đó có tên xạ phẫu).
Có gì thiếu sót xin Bác sĩ chỉ vẽ thêm. Kính.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Cám ơn bạn đã bổ xung thêm cho phần thiêu sót của của bài viết. Vì là bác sĩ nội khoa ung thư lại viết về xạ trị nên tôi không đủ hiểu biết để mô tả chi tiết như bạn. Cám ơn bạn rất nhiều đã góp thêm kiến thức.