Monday, June 1, 2015

Ngày chủ nhật ở ASCO 2015, hổ và sư tử đã xuất hiện !

ASCO 2015 kéo dài 5 ngày từ thứ 7 cho đến thứ ba. Chủ Nhật luôn là ngày quan trọng, bao gồm những bài trình bày "gây sóng gió"- breakground ( đó là nói theo ông chủ tịch mới của ASCO, Peter Yu, MD chứ bản thân tôi chỉ là một người chuyên ôm laptop để moi thông tin thôi chứ chưa bao giờ được tham dự hội thảo ASCO lần nào hết nên đâu dám nhận định bừa bãi!)
Sẵn tiện xin quảng cáo luôn hình ông chủ tịch mới của ASCO cho mọi người biết mặt luôn,





Quả thật như lời ông này nói, hôm nay ở VN là thứ 2 nhưng là Chủ Nhật bên Mỹ, chưa kịp xem kỹ phiên ung thư phổi nhưng liếc qua đã thấy sự xuất hiện của HỔ và SƯ tử rồi!
Hổ ở đây là CO 1686 tức là thuốc EGFR TKI thế hệ thứ 3 (thế hệ 1 là tarceva, Iressa, thế hệ 2 là afatinib) các nghiên cứu của thuốc này hay lấy tên là TIGER.
Như vậy nói cho vui luôn thì sư tử ở đây là AZD 9291  cũng là một EGFR TKI thế hệ 3 của Astra Zeneca.
Vì là EGFR TKI thế hệ mới nhất nên kỳ vọng của các BS có quan tâm đến thuốc này rất lớn
Quả thật là không hỗ danh là sư tử và hổ khi 2 thuốc này cho kết quả ấn tượng
AZD 9291 đạt tỉ lệ đáp ứng là 63% cho những bệnh nhân đã từng hoá trị bước 1 và 83% cho những bệnh nhân chưa từng được hoá trị.
Xin nhắc lại lần thứ hai  vì theo tôi số liệu này là quan trọng.
 AZD 9291 đạt tỉ lệ đáp ứng là 63% cho những bệnh nhân đã từng hoá trị bước 1 và 83% cho những bệnh nhân chưa từng được hoá trị\

CO 1686 thì yếu hơn với tỉ lệ đáp ứng là 53%.
Trong sáng nay cũng có cuộc đối đầu giữa hai "cao thủ võ lâm" là afatinib và erlotinib qua phần trình bày của Dr Soria nghiên cứu LUX Lung8. Nghiên cứu này có nhiều số liệu khó hiểu quá, tôi cần phải có thời gian xem kỹ hơn rồi mới bình luận,

7 comments:

Unknown said...

Kính chào Bác Sĩ Khôi ! em có 1 thắc mắc là với việc ra đời AZD 9291 và CO 1686 là 2 loại thuốc đích thế hệ thứ 3 thì nếu một bệnh nhân mắc K phổi có đột biến gen thì phác đồ điều trị của họ sẽ là : bước 1 dùng thuốc đích thế hệ 1 iressa hoặc tarceva...sau 1 thời gian dùng sẽ bị kháng thuốc ,lúc đó bệnh nhân sẽ được chuyển sang bước 2 dùng tiếp thuốc đích thế hệ 2 afitinib...lại sau 1 thời gian nữa bệnh nhân bị kháng thuốc tiếp thì được chuyển sang thuốc thế hệ 3 AZD 9291 hoặc CO 1686...sự lần lượt về việc dùng thuốc thế hê 1,2,3 trong thắc mắc của em có đúng không ạ ?nếu sai thì sẽ là thế nào ạ ?
Ngoài ra, em có đọc các ca lâm sàng K phổi dùng thuốc đích trên mạng,thấy rằng có người bệnh được chỉ định dùng iressa,người khác thì lại là tarceva! vậy sự khác nhau giữa iressa và tarceva ở đây là thế nào mà lại có sự chỉ định theo từng trường hợp như vậy?...em có tìm hiều và đươc biết rằng theo các thống kê về hiệu quả của iressa so với tarceva thì tarceva luôn nhỉnh hơn cả về thời gian bệnh ko tiến triển cũng như thời gian sống tổng quát,thậm chí ở Mỹ chỉ có tarceva là được FDA chấp thuận còn iressa thì ko vượt qua được yêu cầu của FDA!
Mẹ em thì đã dùng thuốc đích iressa được 6 tháng! lúc bắt đầu dùng Bác sĩ có cảnh báo về các phản ứng phụ,nhưng đã qua 6 tháng dùng mà tuyệt nhiên ko có 1 chút phản ứng phụ nào,nhìn ngoài vô thì sức khỏe rất tốt,mọi công việc làm lụng như lúc trước khi mắc bệnh!Liệu vậy có phải là Mẹ em rất hợp thuốc và dẫn đến thời điểm kháng thuốc sẽ lâu hơn so với các trường hợp khác ko ạ?
Em xin chân thành cám ơn Bác Sĩ ! chúc Bác sĩ những điều tốt đẹp nhất trên con đường nghành Y cứu người!Trân Trọng !

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Y khoa hiện nay rất coi trong y học chứng cớ, tức là mọi quyết định điều trị phải dựa trên các nghiên cứu tin cậy. Đó là lý do tại sao có các hội thảo lớn như ASCO. Điều trị ung thư phổi bước 1 cho bệnh nhân có đột biến EGFR hiện nay là một trong 3 thuốc Iressa, Tarceva, afatinb.
Hai thuốc Tarceva và Iressa được xem là 2 lựa chọn ngang nhau đối với cá bác sĩ mặc dù Iressa có tỉ lệ đáp ứng cao hơn nhưng không thể dựa trên đó mà nói Iressa hơn Tarceva vì hai số liệu từ hai nghiên cứu khác nhau, y khoa không chấp nhận kiểu so sánh này.
Tác dụng phụ và hiệu quả của thuốc không có liên quan nhau.

Đỗ Nhất Linh said...

Kính chào bác sỹ Khôi,
Xin bác sỹ cho biết tên thương mại của các thuốc đích thế hệ 3 này là gì? Các nguồn cung cấp ở đâu? Vì gia đình tôi có người thân bị K phổi hiện có dấu hiệu kháng Tarceva. Chân thành cảm ơn bác sỹ.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Mời bạn Đỗ Nhất Linh xem bài này. Tháng 5/2018 tại VN sẽ chính thức có thuốc Tagrisso (osimertinib). Dĩ nhiên là chỉ ở những bệnh viện có khoa Ung Thư chứ không thể tự mua ở nhà thuốc được.

T-Bee shop said...

Xin chào bác sỹ, mong bác sỹ cho biết khi uống thuốc đích thế hệ thứ 3 này, thì cơ thể bao lâu đáp ứng thuốc? và thời gian trung bình bao lâu thì kháng thuốc?
Cảm ơn bác sỹ.

Huyền Trang said...

Xin chào bác sỹ, mong bác sỹ cho biết khi uống thuốc đích thế hệ thứ 3 này, thì cơ thể bao lâu đáp ứng thuốc? và thời gian trung bình bao lâu thì kháng thuốc?
Cảm ơn bác sỹ.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Đáp ứng sau khoảng 2 tháng. Đặc biệt sau vài tuần
Kháng thuốc xảy ra khoảng 19 tháng