BS NGUYỄN TUẤN KHÔI - BÁO THUỐC VÀ SỨC KHOẺ , BÚT DANH NGUYÊN DUY
Năm 1986 một thảm hoạ hạt nhân lớn
nhất trong lịch sử loài người đã xảy ra tại Checnobyl, Liện Xô, nay là Ucraina.
Nhà máy năng lượng hạt nhân đã bị nổ, các chất phóng xạ được tung vào môi trường
, hơn 600 công nhân đang làm trong nhà máy bị lãnh hàm lượng phóng xạ rất cao,
nhiều người chết ngay, một số người nhập viện. Con số chính xác không được biết
vì lúc đó Liên Xô bưng bít thông tin với truyền thông. Hậu quả của thảm hoạ này
còn ảnh
hưởng lâu dài cho đến nay và nhiều năm nữa vì
chất phóng xạ ngoài việc gây tử vong, thương vong ngay lập tức nó còn tiềm ẩn
nguy cơ gây ung thư.
Phóng xạ là gì ?
Phóng xạ còn gọi là bức xạ ion hoá là những tia có năng lượng cao
nên có thể ion hoá vật chất nên gây hại cho con người.
Phóng xạ được tạo ra từ những chất
đồng vị phóng xạ khi phân rã sẽ tạo ra những tia có năng lượng rất lớn. Chất
phóng xạ tại nhà máy năng lượng tại Checnobyl là I-131, Cs-137, and Sr-90.
Nguyên tử của chất đồng vị phóng xạ có
hạt nhân không bền vững, hạt nhân trong nguyên tử này dễ bị phân rã, mỗi khi
phân rã sẽ tạo nên năng lượng rất lớn dưới dạng tia gọi là phóng xạ.
Phóng xạ còn được tạo ra từ những
máy phát phóng xạ như máy chụp X quang, CT, máy xạ trị trong y khoa.
Bức xạ (radiation) là những
tia có năng lượng. Có hai loại bức xạ: bức xạ ion hoá (phóng xạ) và bức xạ
không ion hoá.
Bức xạ không ion hoá có năng lượng thấp nên
không đủ sức ion hoá vật chất nên không gây hại cho con người. TD: sóng điện
thoại di động, sóng radio, song của lò viba …
Như vậy phóng xạ là một dạng năng
lượng cao và nguy hiểm của bức xạ.
Phóng xạ có thể có trong chính căn nhà chúng ta!
Thật vậy, khí radon là một khí
không màu, không mùi được tạo ra từ chất phóng xạ uranium hiện diện với một hàm
lượng ít trong đất đá, trong nước ngầm, trong không khí. Con người có thể hít
phải khí radon, uống phải nguồn nước có chứa uranium. Tuỳ vùng địa lý khí radon
có thể nhiều hay ít. Những nơi không khí bị tù đọng như hầm mỏ khí radon tích tụ
với hàm lượng cao hơn. Trong toà nhà, những vết nứt ở sàn và tường,những khoang
trống ở sàn nhà là nơi thoát của khí radon. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (The U.S. Environmental Protection Agency
-EPA) đánh giá khí radon là yếu tố tăng nguy cơ ung thư phổi hàng thứ hai sau
thuốc lá. Trên thị trường ở Mỹ cũng có bán những bộ dụng cụ để đo lượng khí
radon trong nhà. Hình 1.
Phóng xạ từ bệnh viện
Các máy xạ trị ung thư, máy chụp
X quang, máy chụp CT, máy chụp PET là những máy phát ra phóng xạ ion hoá vì vậy
bác sĩ sẽ cân nhắc lợi – hại khi cho bệnh nhân được thực hiện các máy trên. Hình
2.
Không chỉ có bệnh viện, một số nhà máy có sử dụng chất phóng xạ trong quy trình sản xuất nếu không tuân thủ các nguyên tắc an toàn gây rò rỉ phóng xạ ra môi trường gây tác hại khó lường được.
Hình 3 . Nguồn phóng xạ Co-60 của nhà máy thép Pomina III tại Vũng Tàu bị mất đến nay chưa tìm được
Thuốc lá cũng có phóng xạ
Hai hoạt chất phóng xạ là
polonium-210 và lead-210 có trong thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi cho
người hút và người hít phải khói thuốc. Nhựa thuốc lá phá huỷ tạo nên những lỗ
nhỏ trên phổi, chất phóng xạ nói trên đọng lại trong lỗ nhỏ này với thời gian
lâu dài để tăng nguy cơ gây ung thư phổi.
Phóng xạ từ các nhà máy năng lượng hạt nhân
Các nhà máy năng lượng hạt nhân sử
dụng các đồng vị phóng xạ để tạo ra phóng xạ tức là năng lượng. Năng lượng này
được chuyển đổi thành các dạng năng lượng khác như điện năng. Như vậy là các
nhà máy này chứa đựng một lượng lớn chất phóng xạ và các chất này trải qua một
quá trình phân rã để tạo ra năng lượng rất lớn tại những lò phản ứng. Quy trình
kỹ thuật tại những nhà máy này rất nghiêm ngặt, tuy vậy cũng không thể tránh khỏi
những tai nạn do bất cẩn, do kỹ thuật yếu kém như thản hoạ Checnobyl đã nói
trên hoặc do thiên tai như vụ sóng thần kèm theo động đất năm 2011 tại Nhật Bản
làm chấn động nhà máy điện hạt nhân Fukishuma I và II khiến chất phóng xạ lan
ra môi trường theo đường biển và theo những đám mây đưa đi rất xa.
Phóng xạ từ vũ khí hạt nhân nếu như chúng được sử dụng trong chiến
tranh
Chúng ta đã từng biết tới hậu quả
của hai quả bom nguyên tử được thả tại Hiroshima và Nagashaki năm 1945.
Tia vũ trụ cũng mang năng lượng lớn,
tia này tương tác với các phân tử khí ở thượng tầng khí quyển để tạo ra phóng xạ gamma
Liều phóng xạ này sẽ cao ở những
vùng núi cao.
Vì sao phóng xạ ion hoá có thể gây ung thư ?
Phóng xạ ion hoá gây phản ứng ion
hoá đối với DNA làm cho DNA thay đổi cấu trúc hoá học và trở thành gien bị đột biến (gien là một đọan của DNA).
Có những đột biến trực tiếp biến thành gien sinh ung
thư khiến tế bào bình thường thành tế bào ung thư. Tế bào ung thư mới xuất hiện
này nếu không bị cơ thể chúng ta thanh lọc từ đầu thì nó sẽ sinh sôi nẩy nở
thành bệnh ung thư tiến triển nhanh. Cũng có khi tế bào ung thư mới xuất hiện
này sẽ bị cơ thể loại trừ ngay từ đầu bằng
cơ chế miễn dịch nên không có cơ hội để biến thành bệnh ung thư. Lại cũng có
khi gien bị đột biến này lại được một gien khác của cơ thể sửa chữa nên bệnh
ung thư cũng không thể xuất hiện được. Hình 4
Có những đột biến xảy ra trên những
gien sửa chữa khiến cơ thể mất đi khả năng sửa chữa những đột biến của những
gien khác trong đó có những gien sinh ung thư.
Như vậy phải mất một thời gian khá dài để phóng xạ gây bệnh ung thư
cho con người. Đối với ung thư máu là từ 2-10 năm; đối với ung thư các cơ quan
khác phải mất đến trên 10 năm mặc dù chất phóng xạ chỉ tồn tại trong môi trường
với thời gian không dài lắm. TD: chất đồng vị phóng xạ I-131 có chu kỳ bán rã
là 8 ngày.
Các loại phóng xạ khác nhau cũng
gây ra các loại ung thư khác nhau. Chất đồng vị phóng xạ I-131 thường gây ung
thư tuyến giáp vì chỉ có tuyến giáp mới bắt chất này.
Trẻ em bị ảnh hưởng bởi phóng xạ
nghiêm trọng hơn người lớn vì trẻ em trong giai đoạn phát triển nên các tế bào
đều phân chia rất nhanh.
Chúng ta nên làm gì nếu ở rất
vùng vừa có nổ nhà máy năng lượng hạt nhân ?
Vì ở ngoài trời là nơi có lượng
phóng xạ rất cao nên Trung tâm quản lý bệnh
tật Hoa Kỳ (CDC) khuyên chúng ta 3 điều sau:
1.
Nếu đang ở ngoài đường thì nhanh chóng vào nhà,
đóng cửa lại, dùng vòi nước tắm sạch toàn thân.
2.
Nếu ở trong nhà thì không được ra khỏi nhà, ngay
cả dùng xe hơi để chạy xa khỏi khu vực gặp nạn cũng không nên vì xe hơi không
an toàn trong việc cách ly với phóng xạ.
3.
Luôn luôn giữ liên lạc với bên ngoài để chờ được
nhân viên chuyên trách ứng cứu.
BS NGUYÊN DUY
No comments:
Post a Comment