Ba năm qua, tôi hân hạnh được báo Thuốc và Sức Khỏe chọn đăng một số bài với bút danh BS Nguyên Duy.
Xin giới thiệu bài viết gần đây trên báo. Tháng 1/2016
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ PHỔI BẰNG THUỐC NHẮM TRÚNG ĐÍCH
BS Nguyên Duy
Trong khoảng 5 năm gần đây, các bác sĩ chuyên khoa ung thư đã chứng kiến một thành tựu rất đáng ngạc nhiên trong điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc) cho ung thư phổi giai đoạn cuối. Các khối u lớn ở phổi và các khối di căn từ phổi đến các cơ quan khác như gan, hạch...hầu hết đều nhỏ lại, có khi mất hẳn sau 1- 2 tháng điều trị chỉ bằng uống mỗi ngày 1 viên thuốc nhỏ cỡ vài trăm miligam! Phương pháp điều trị này được gọi là điều trị nhắm trúng đích.
Điều trị nhắm trúng đích là gì?
Điều trị nhắm trúng đích được dịch ra từ tiếng Anh: targeted therapy hay từ ngữ chi tiết và khoa học hơn là molecularly targeted therapy (điều trị nhắm vào mục tiêu phân tử).
Mục tiêu phân tử chính là EGFR (Epidermal Growth Factor Receptor), một loại thụ thể nằm ở màng tế bào ung thư phổi. Khi thụ thể EGFR hoạt động sẽ khiến tế bào ung thư tạo ra các chất kích thích các tế bào ung thư khác phát triển. Các thuốc nhắm trúng đích chỉ tác động lên thụ thể EGFR, ngăn cản chúng hoạt động, y khoa gọi là ức chế. Khi EGFR bị ngăn cản hoạt động các tế bào ung thư không thể hoạt động mạnh mẽ nữa và khối u sẽ dần dần nhỏ lại và mất hẳn.
Thụ thể EGFR (Hình 1)
Năm 1986, giải Nobel y học được trao cho hai nhà khoa học Mỹ Stanley Cohen và Rita Levi-Montalcini do hai ông cùng hợp tác và phát hiện EGFR và yếu tố kích thích nó có tên là EGF (Epidermal Growth Factor).
Phát hiện này vô cùng quan trọng, mở đầu cho việc chế tạo ra những thuốc chống ung thư dựa trên sự khác biệt ở mức độ phân tử của tế bào ung thư so với tế bào bình thường.
Khi thụ thể EGFR ở màng tế bào ung thư bị kích thích bởi yếu tố EGF, thụ thể này sẽ trở nên hoạt động và kích thích các gen trong nhân tế bào tổng hợp ra những protein thúc đẩy các tế bào ung thư khác phát triển. Các protein này tạo nên những biến đổi sau:
- Kích thích các tế bào ung thư khác sinh sản nhanh hơn (tăng sinh) làm cho khối bướu tăng kích thước.
- Làm cho các tế bào ung thư có thể xâm lấn đến các cơ quan xung quanh và di căn xa đến những cơ quan khác.
- Làm cho tế bào ung thư không bao giờ có tình trạng apotosis như các tế bào bình thường. Tức là tế bào ung thư có thể sống mãi mà không chết đi vì già cỗi như các tế bào bình thường.
- Làm tăng sinh các mạch máu quanh khối u, nhờ đó tế bào ung thư dễ dàng theo các mạch máu di căn xa.
Các thuốc nhắm vào thụ thể EGFR
Thụ thể EGFR có bản chất là một đại phân tử protein gồm 2 phần: phần ngoài màng và phần trong màng.
Các thuốc ức chế hoạt động của thụ thể EGFR cũng theo đó mà chia làm 2 nhóm: nhóm ức chế EGFR ngoài màng và nhóm ức chế EGFR trong màng.
Các thuốc ức chế ngoài màng của thụ thể EGFR: cetuximab (Erbitux), panitumumab (Vectibix) đều là những kháng thể đơn dòng được bào chế từ kháng thể của người hoặc động vật.
Các thuốc ức chế trong màng của thụ thể EGFR: erlotinib (Tarceva), gefitinib (Iressa), afatinib (Gilotrib).
Như vậy thụ thể EGFR là thủ phạm của sự phát triển nhanh chóng và không ngừng nghỉ của tế bào ung thư. Thụ thể này chỉ có ở tế bào ung thư mà không có tế bào bình thường cho nên dùng thuốc chống lại thụ thể EGFR về mặt lý thuyết sẽ chỉ tập trung “gây hại” cho tế bào ung thư mà không “gây hại” cho tế bào bình thường. Đó là ưu điểm nổi trội của các thuốc nhắm trúng đích thúc đẩy các nhà khoa học và các thầy thuốc mau chóng đưa các thuốc này vào các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh ích lợi của các thuốc này trên bệnh nhân.
Các thuốc nhắm trúng đích đã được chứng minh hiệu quả điều trị trên bệnh nhân ung thư phổi
Cho đến đầu những năm 2000, hóa trị vẫn là phương pháp điều trị nội khoa duy nhất cho ung thư phổi giai đoạn cuối (giai đoạn IIIB và IV). Năm 2008 nghiên cứu mang tên IPASS đã được công bố, đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích có hiệu quả hơn hẳn hóa trị và kể từ đó quan điểm điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối đã thay đổi rất nhiều.
Nghiên cứu IPASS thu nhận 1217 bệnh nhân ung thư phổi chia làm 2 nhánh: một nhánh điều trị bằng thuốc Iressa, nhánh kia hóa trị. Kết quả cho thấy cứ 10 bệnh nhân điều trị bằng Iressa thì có 7 bệnh nhân bướu nhỏ lại trong khi đó cứ 10 bệnh nhân hóa trị thì chỉ có gần 5 bệnh nhân bướu nhỏ lại. Nghiên cứu này còn cho biết điều trị bằng Iressa sẽ làm cho bệnh nhân có khoảng thời gian sống trong tình trạng lui bệnh nhiều hơn hóa trị đến 3 tháng.
Sau thành công của Iressa với nghiên cứu IPASS, các thuốc nhắm trúng đích khác như Gilotrib, Tarceva cũng đạt thành công tương tự. Do vậy, để điều trị ung thư phổi bằng thuốc nhắm trúng đích, chúng ta chỉ được lựa chọn một trong ba thuốc này. Xin nhắc lại là cả ba thuốc này đều thuộc nhóm ức chế EGFR trong màng tế bào hay còn gọi là EGFR TKI.
Các thuốc Erbitux, Vectibix (ức chế EGFR ngoài màng tế bào) đều không có hiệu quả trong điều trị ung thư phổi.
Từ sau thành công qua các nghiên cứu lớn của các thuốc nhắm trúng đích EGFR TKI, báo chí trong và ngoài nước đều nhắc đến các thuốc này khiến bệnh nhân đọc thấy và họ rất hy vọng, nhiều người “nài nỉ” để được điều trị nhưng đâu phải bệnh nhân nào cũng có thể điều trị bằng thuốc này.
Những bệnh nhân nào được y khoa khuyến cáo dùng các thuốc nhắm trúng đích EGFR TKI ?
Bệnh nhân phải đạt đủ cả 3 điều sau:
Thứ nhất: Bệnh nhân thuộc giai đoạn lan rộng (giai đoạn IIIB) hoặc di căn xa (giai đoạn IV). Nói cách khác là bệnh ở giai đoạn sớm, không nên dùng thuốc này, phẫu thuật vẫn là tốt nhất.
Thứ hai: Khối bướu phải có mô học loại carcinoma tế bào tuyến.
Thứ ba: Xét nghiệm khối bướu cho thấy có tình trạng đột biến EGFR
Như đã biết, khi thụ thể EGFR hoạt động thì tế bào ung thư phổi sẽ phát triển.
Vậy thì khi nào thụ thể EGFR hoạt động?
- Khi có yếu tố EGF tác động lên nó.
- Người ta còn nhận thấy EGFR bị đột biến thì hoạt động của nó tăng lên rất nhiều. Như vậy phải chăng, thuốc nhắm trúng đích EGFR TKI sẽ có hiệu quả các trường hợp ung thư phổi có đột biến EGFR? Giả thuyết này đã được chứng minh trong nghiên cứu IPASS. Nghiên cứu này chia số bệnh nhân làm hai nhóm để khảo sát:
Nhóm thứ nhất gồm những bệnh nhân có đột biến EGFR, nhóm này cho thấy kết quả của những bệnh nhân được điều trị bằng Iressa (thuốc nhắm trúng đích EGFR TKI) tốt hơn nhiều so với hóa trị.
Nhóm thứ hai gồm những bệnh nhân không có đột biến EGFR, nhóm này cho thấy điều ngược lại: điều trị bằng Iressa cho kết quả kém hơn hóa trị. Do vậy, đột biến EGFR là một tiêu chuẩn rất quan trọng góp phần cho sự thành công của điều trị.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy ở bệnh nhân có mô học là carcinoma tế bào nhỏ hoặc carcinoma tế bào gai rất hiếm khi nào có đột biến EGFR, trong khi carcinoma tuyến có tỉ lệ đột biến EGFR cao.
Xét nghiệm đột biến EGFR (Hình 2)
Khối bướu ở phổi hoặc các khối di căn sẽ được sinh thiết rồi gởi vào phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Tại đây, người ta sẽ cắt bệnh phẩm thành những lát nhỏ, đem nhuộm màu rồi trải lên một tấm kính nhỏ (gọi là lam). Bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ xem lam này bằng kính hiển vi để xác định loại mô học của khối bướu rồi gởi kết quả cho bác sĩ điều trị. Nếu khối bướu có mô học là loại carcinoma tuyến sẽ được bác sĩ đề nghị xét nghiệm thêm đột biến EGFR. Xét nghiệm đột biến EGFR được thực hiện bằng máy phân tích, mất trên hai tuần. Có nhiều loại đột biến, chỉ có đột biến trên exon 19 và exon 21 là có đáp ứng với điều trị.
Các thuốc nhắm trúng đích EGFR TKI có chữa khỏi bệnh ung thư phổi ?
Được chỉ định cho ung thư phổi ở giai đoạn cuối nên nhóm thuốc này không giúp chữa khỏi bệnh vĩnh viễn được. Tuy nhiên nhóm thuốc này có rất nhiều ưu điểm mà các bác sĩ chuyên khoa ung thư chúng tôi đánh giá rất cao như sau:
- Kéo dài cuộc sống cho người bệnh thêm khoảng 3-4 tháng so với cách điều trị cũ là hóa trị.
- Tác dụng phụ không đáng kể (thường là nổi mụn) giúp cho người bệnh trở về cuộc sống gần như bình thường trong lúc đang điều trị
- Cách thức điều trị đơn giản: chỉ cần uống 1 viên thuốc mỗi ngày.
- Tỉ lệ đáp ứng khá cao 70-80%.
- Ngay cả những bệnh nhân quá yếu cũng có thể điều trị mà không sợ tác dụng phụ làm cho bệnh nhân nguy hiểm.
Cũng cần phải biết nhược điểm của nhóm thuốc này như:
- Chi phí điều trị khá cao: 1,5-1,6 triệu cho một ngày điều trị. Nếu có đáp ứng với điều trị (bướu nhỏ đi sau dùng thuốc), y khoa khuyến cáo không được ngừng nếu bệnh vẫn còn đáp ứng. Do vậy, thời gian điều trị sẽ kéo dài.
- Vì phải chứng minh là có đột biến EGFR mới được điều trị nên chỉ có một số ít (khoảng 20% bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối) có chỉ định điều trị.
Hình 1. Hoạt động của thụ thể EGFR và các thuốc nhắm trúng đích
Hình 2. Quy trình hát hiện đột biến gen trong phòng thí nghiệm
53 comments:
Xuân Bính Thân 2016 kinh chúc Bác Sĩ Khôi một năm mới viên mãn và dồi dào sức khỏe !
Hôm nay Mẹ em vừa chuyển Viện để thuận lợi hơn cho đi lại,đến Viện mới vẫn dùng tiếp thuốc đích,Viện mới có 2 lựa chọn là dùng tarceva hoặc iressa...Bác sĩ cho về nhà suy nghĩ lựa chọn và thứ 2 tuần sau bắt đầu dùng!..Mẹ em thì dùng iressa ở Viện cũ tính đến nay đã được 15 tháng,sức khỏe vẫn ổn định và hoàn toàn tốt ko có dấu hiệu bệnh tật j
Theo tìm hiểu hạn hẹp của bản thân em ở những ca lâm sàng cụ thể trên mạng em thấy nhờ tarceva mà một số ca may mắn đều qua được 4 năm,có ca 6 năm và lâu hơn!..nhưng với iressa thì em chưa đọc được ở đâu ca nào đến 4 năm cả!..Vậy em muốn hỏi là với dữ liệu mà Bác sĩ Khôi có được thì có đùng là các bệnh nhân dùng iressa chưa có bệnh nhân nào qua được 5 hay 6 năm như trên ko ạ?
Em ko có ý làm 1 sự so sánh mang tính nghiêm túc về iressa và tarceva vì em đọc được trên blog bác sĩ thì đến nay chưa có cuộc đối đầu nào giữa 2 thuốc cả....Nhưng nếu sự may mắn có thể xảy ra giống với người đi trước thì em sẽ chuyển sang cho Mẹ dùng tarceva nhằm hi vọng vào điều đó!rất mong ý kiến của Bác Sĩ !
Nếu mẹ của bạn đang dùng Iressa được 15 tháng mà sức khỏe tốt như vậy thì việc tiếp tục dùng Iressa tiếp là có cơ sở khoa học.
Nếu chỉ vì thấy có vài trường hợp dùng Tarceva sống lâu hơn 4 năm nên đổi sang Tarceva là ý định cmang nhiều cảm tính và thiếu cơ sở khoa học. Điều trị bằng Iressa mà sống được hơn 4 năm chúng tôi chưa gặp nhưng không thể dựa vào quan sát của tôi mà suy ra cho toàn bộ các trường hợp khác.
Do vậy, nếu tôi là bạn, tôi sẽ chọn tiếp tục Iressa
cháu chào bác sĩ ạ.
bố cháu bị ung thư phổi giai đoạn cuối và đã bị di căn vào xương và não. Bây giờ bố cháu đang dùng thuốc điều trị đích Iressa bắt đầu mọc mụn ở mặt và có hiện tượng rụng tóc ạ.
bác sĩ cho cháu hỏi là trong quá trình mình uống thuốc Iressa thì:
1. có thể kết hợp uống thêm thuốc nam không ạ? ví dụ: nấm linh chi để giải độc, lá đu đủ,...
2. có phải ăn kiêng chất gì không ạ hay là cứ ăn đồ bổ để chống lại chất độc của thuốc ạ?
cháu cảm ơn bác sĩ nhiều ạ. rất mong nhận được phản hồi sớm từ bác sĩ!
1. Có thể kết hợp với thuốc Nam khi điều trị Iressa hay không ?
Câu hỏi này nghe có vẽ đơn giản nhưng không thể trả lời được vì hiện giờ người ta cũng chưa khảo sát được những người vừ dùng Iressa vừa dung thuốc Nam để xem tốt hay xấu. Tuy vậy, theo tôi những gì mình không biết rõ thì không nên làm
2. Theo hường dẫn sử dụng thuốc thì không có thức ăn nào được khuyến cáo hay bị cấm khi điều trị với Iressa. Nếu uống thuốc lúc đói thì sẽ giảm nổi mụn trên da, theo nghiên cứu mới đây.
Thưa bác sĩ,
Bác sĩ cho biết đã có trường hôp nào dùng thuốc này (iressa) để làm khối u nhỏ lại sau đó phẫu thuật và hoá trị nhu phuong phap truyen thong khong ạ.
Khi đã dùng thuốc này có thể quay lại một phuong pháp khác không a,
Biết ơn bác sĩ.
Dùng Iressa để bướu nhỏ lại rồi mổ là một ý tưởng hay, tôi tra cứu thấy có hơn 5 nghiên cứu về cách thức này. Kết quả chắc sẽ công bố vào năm sau
Có thể chuyển sanh phương pháp khác nếu TKI không hiệu quả
Thưa bác sĩ,
chồng em (đứt đoạn exon 19 27.5%), dùng tarceva được 3 tháng
thì thấy khối u nguyên phát ở phổi giảm 1cm,
khối di căn ở gan thì không được Oncologist chỉ định CT nên không biết.
Cách đây 1 tuần thì CT gan lại, thấy khối ở phổi to lên (từ 1.1cm -> 1.6cm),
chụp MRI lần đầu thì thấy có nốt 6mm ở não (có khả năng là đã di căn não ạ?,
khi phát bệnh thì không được chỉ định chụp MRI nên không biết đã di căn não hay chưa).
Như vậy có khả năng tarceva đã hết tác dụng không ạ?
Oncologist chỉ định là 2 tháng sau MRI lại để theo dõi.
Nhưng liệu 2 tháng thì có rủi ro quá không, nếu tarceva đã kháng.
Và nếu kháng, thì có Phương pháp nào hiệu quả để điều trị tiếp không ạ?
Như hóa trị Avastin/Carboplastin/Alimta...
Tỉ lệ đáp ứng theo thống kê sau khi tarceva hét tác dụng thế nào ạ?
Chân thành cám ơn bác sĩ.
1. Dùng Tarceva 3 tháng mà thấy khối u giảm 1cm thì việc điều trị được xem là thành công
2. Cách đây 1 tuần, CT thấy khối bướu tăng 0,6cm, quá ít nên chưa thể kết luận là bệnh tiến triển hoặc đã kháng thuốc Tarceva được. Theo tôi trường hợp này không phải là kháng thuốc
3. MRI thấy khối u ở não với kích thước quá nhỏ cũng khiến BS phân vân giữa khối u di căn hay một khối lành tính không phải di căn. Tôi nghĩ rằng, oncologist nghi khối u này là di căn.
4. Như vậy di căn não này là mới có hay đã có từ trước điều trị với kích thước lớn hơn nhưng do điều trị Tarceva nên khối u chỉ còn lại 0,6cm.
Theo suy luận y khoa thì khối u này đã có từ trước, nay đã nhỏ lại do Tarceva có hiệu quả. Lý do tôi khẳng định điều này vì gần đây, các nghiên cứu cho thấy có đến 80% các trường hợp di căn não đều nhỏ lại sau dùng Tarceva.
5. Nếu kháng thuốc, khối u ở não sẽ được mổ cắt bỏ, có thể xạ trị vào não sau đó rồi lấy khối u đem xét nghiệm EGFR, nếu có đột biến T790M thì phải ngưng Tarceva để thay bằng Tagrisso (Một loại thuốc đời mới hơn)với tỉ lệ đáp ứng >60%.
6. Hoá trị sau khi kháng Tarceva cũng là một phương pháp được nghĩ tới tuy là chứng cứ chưa đủ thuyết phục
7. Các thắc mắc còn lại xin mời bạn xem thêm các bài sau:
http://nguyentuankhoi.blogspot.com/2016/09/cac-egfr-tkis-iressa-tarceva-co-ieu-tri.html
http://nguyentuankhoi.blogspot.com/2015/12/azd9291-anh-hung-vo-danh.html
Xin chân thành cám ơn bác sĩ đã trả lời rất nhanh.
Cho phép em được hỏi thêm nữa về trường hợp kháng thuốc, và phát hiện đột biến gen.
1. Có các loại đột biến nào, và các Phương pháp điều trị tiếp tương ứng theo đột biến đó, sau khi kháng Tarceva ạ?
Theo chút kiến thức còm cõi em tìm hiểu, thì có: nhiều nhất là T790M(>60%), sau đó là cMET, (HER) family, PIK3CA, BRAF...
2. Các xét nghiệm xác định đột biến sau Tarceva này, đã có ở Việt Nam chưa ạ? Nếu có thì ở
bệnh viện nào ạ?
3. Em có người bạn đang tham gia clinical cho thuốc EGF816 và INC280 sau 2 năm dùng Tarceva ở Úc. Bác sĩ có thể cho em xin thông tin về 2 loại thuốc này không ạ?
4. Nếu có đột biến T790M, ngoài AZD 9291, còn có CO1686 (Rociletinib, như bác sĩ đã đề cập ở http://nguyentuankhoi.blogspot.kr/2016/02/esmo-2015-ung-thu-phoi-co-gi-moi.html), loại thuốc này có kết quả nghiên cứu thế nào, và đã có ở thị trường Việt Nam chưa ạ?
Chân thành cám ơn bác sĩ.
1. Vấn đề kháng thuốc Tarceva, xin xem trang
http://nguyentuankhoi.blogspot.com/2014/12/khang-thuoc-egfr-tki-thu-phat-acquiried.html#more
Kháng do đb T790M: thuốc đtrị Tagrisso (AZD 9291)
Kháng do HER: dùng Herceptin
Kháng do cMET: hiện đang nghiên cứu
Kháng do chuyển thành carcinoma tế bào nhỏ: hóa trị
Bạn có nêu 2 loại kháng: PIK3CA, BRAF tôi chưa thấy thống kê nói đến nên không rõ bạn nêu có đúng không
2. Hiện ở VN đã có những phòng XN làm được các loại đb này: BV UNG BƯỚU, ĐHYD, MEDIC.. và các phòng tư nhân khác mà tôi không nhớ hết
3. Cám ơn bạn, nhờ bạn tôi mới biết 2 loại thuốc này EGF816 và INC280. tôi tra trên mạng thì thấy thuốc này đang được nghiên cứu ở những pha đầu (1 và 2). Tôi không có kiến thứ về 2 loại thuốc này
4. CO 1686 có khởi đầu rất tốt, nhưng số liệu cập nhật năm qua cho thấy đang có những điều bất lợi. thuốc này chưa có tên thương mại, chưa có tại VN
Thưa bác sĩ,
vậy trường hợp chồng em dùng Tarceva một thời gian và có dấu hiệu kháng thuốc,
thì sinh thiết lại rồi gửi mẫu bệnh phẩm vào BV Ung bướu thì có thể xác định được là kháng do loại nào.
Ở Việt Nam mình có đang thử nghiệm loại thuốc miễn dịch nào không ạ?
Em hiện đang công tác ở Seoul, Hàn Quốc, thì liệu em có đăng ký những clinical mà họ đang tiến hành thử nghiệm không ạ?
https://www.novartisclinicaltrials.com/TrialConnectWeb/basicsearch.nov
Ở trang này em thấy có rất nhiều clinical cho bệnh nhân lung cancer sau khi kháng thuốc đích thế hệ đầu.
Em chưa biết quy trình xin đăng ký clinical như thế nào,
nếu được bác sĩ chỉ dẫn thì quý quá ạ.
Xin chân thành cám ơn bác sĩ.
Hiện nay ở BVUB có thể xét nghiệm khối u từ việc sinh thiết lại với các phát hiện nguyên nhân kháng thuốc như sau: đột biến T790M, nhân đoạn c-MET, chuyển sang carcinoma tế bào nhỏ, có thụ thể HER 2. Nhưng vì chỉ có đb T790M là nguyên nhân chính của kháng thuốc nên trong thự tế chúng tôi chỉ cho xét nghiện đb T790 mà thôi, các nguyên nhân khác thì hiếm gặp và thuốc điều trị tương ứng chưa có hiệu quả qua các nghiên cứu.
Trường hợp chồng của bạn nếu muốn tìm nguyên nhân kháng thuốc thì chúng tôi sẽ cho lấy máu xét nghiệm tìm đb T790M trước. Nếu có đb T790M thì đó là điều rất hay vì bệnh nhân không cần phải sinh thiết lại và lại có thuốc Tagrisso điều trị rất hiệu quả
Nếu muốn tham gia vào các thử nghiệm, bạn và chồng bạn nên nhờ BS người Hàn Quốc, nếu ở VN thì tôi mới giúp được.
Trang nghiên cứu mà bạn đưa chỉ là của một hang dược phẩm tên là Novartis. Trang nghiên cứu của toàn thế giới là https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/clinical-trials/search/results?protocolsearchid=6085256&vers=1.
Bạn có thể vào trang này để tìm. Tôi chưa bao giờ thử tìm nên chỉ giúp bạn đến vậy thôi. Tuy nhiên nếu bạn không phải là người rành về nghien cứu y khoa, thì ciệc tìm cho mình nghiên cứu trên trang này chắc mất nhiều thời gian.
Hiện không có thử nghiệm nào về đ trị miễn dịch nào ở VN có tuyển bệnh. Cách đây 1 năm, chúng tôi có tham gia tuyển chọn bn cho nghiên cứu miễn dịch và đã chọn xong, nghiên cứu đã đóng, chờ trong tương lai vài năm nữa thôi. Nhưng thuốc thì có thể qua hãng dược phẩm thì mua được
Thưa bác sĩ,
Chân thành cám ơn bác sĩ đã giải đáp rất chi tiết.
Trường hợp chồng em bị kháng thuốc, có đột biến T790M,
thì làm thế nào để tham gia trial thuốc Tagrisso tại Việt Nam ạ?
Em liên hệ bác sĩ bằng cách nào ạ?
Kính chúc bác sĩ luôn khỏe mạnh.
Thưa bác sĩ,
Bố cháu đã dùng thuốc Iressa được hơn 2 tháng nhưng lại thấy có triệu chứng chán ăn, nôn khan, và đã ho ra maú.
Cho cháu hỏi, trong quá trình uống thuốc mà gặp những hiện tượng trên thì có đáng lo ngại k ạ hay chỉ là tác dụng phụ của thuốc.
Cháu cảm ơn ạ!
Đó là các triệu chứng của bệnh ung thư phổi chứ không phải tác dụng phụ do Iressa gây ra
Điều trị Tagrisso cho kháng thuốc vì có đột biến T790M là một chỉ định chính thức nên bạn có thể liên hệ với công ty Astra Zeneca để mua thuốc này.
Hiện các nghiên cứu về thuốc này ở VN đã đóng từ lâu
Thưa Bác,
Mẹ em đã dùng thuốc Tarceva được hơn hai tuần, và theo cảm nhận của em là kết quả rất tốt, sức khỏe của mẹ đã phục hồi như trước khi bị bệnh, bà không còn cảm thấy khó thở, mệt, giảm ho. Tuy nhiên bà bị tiêu chảy và nổi mụn ở lưỡi. Nhờ Bác tư vấn là mình có phương pháp nào để giảm các tác dụng phụ đó không ạ?
Xin chân thành cảm ơn vì những chia sẻ rất hữu ích của Bác.
Bạn đọc bài này rô2i làm theo nhé https://nguyentuankhoi.blogspot.com/2016/09/noi-man-do-ieu-tri-iressa-va-tarceva.html
Dạ em chân thành cảm ơn bác đã trả lời rất nhanh chóng. Ở bài báo này em thấy bác chỉ cách làm giảm nổi mẩn. Còn tiêu chảy thì mình có thể uống thêm thuốc gì được không bác.
Có thể uống các thuốc: Smecta 2-3 gói/ngày hoặc imodium 1v/ngày
Chào bác sĩ!
Mẹ em bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn vào xương cột sống mới phát hiện.
Hiện đã làm xét nghiệm và có kết quả phù hợp với thuốc đích. Nhưng sức khỏe của bà khá yếu ( 77 tuổi- đã trải qua 1 ca tai nạn nặng cách đây 2 năm). Vậy nếu điều trị theo phương pháp đích có nguy hiểm không? Và trong trường hợp này có khuyến cáo gì không? Rất cảm ơn bác sĩ!
Em xin hỏi thêm, nếu trong trường hợp khả quan, khi sử dụng thuốc có làm bà bớt đau không? 1 tháng trở lại đây ( kể từ khi phát hiện bệnh) bà đau lưng rất nhiều, không thể ngồi dậy đi lại được!
1. Điều trị nhắm trúng đích an toàn cho những bệnh nhân quá yếu
2. Đáp ứng nhanh và khá cao 70-80%, nếu đáp ứng, triệu chứng đau sẽ giảm.
Bạn nên khuyến khích mẹ của bạn điều trị càng sớm càng tốt
Chào bác sĩ.
Cháu ung thư tuỵ đã di căn sang gan và phổi, hiện nay cháu đang được bs điều trị cho uống thuôc đich erlotinib 100mg. Nhưng cháu cứ uống đên viên thứ 12 là ngứa không chịu được cộng vs rất nhiều mụn nhọt ở mặt vai ngực lưng. Lần trước cháu đa dừng ở viên 14. Sau đó 2 tuần thì lại uống lại.và lần này có khi cháu k chịu được lại phải dừng tiếp. Cháu mún hỏi bs có cách nào đỡ mụn và hết ngứa không ạ.
Bạn có thể mua thuốc cortibion bôi da hoặc dexamethasone 0,5mg uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 v trong 3-5 ngày
Chào bác Sỹ
Người nhà em năm nay 37 tuổi- nam bị K phổi gđ 4- không có tế bào nhỏ. Đã phẫu thuật 1 thuỳ phổi phải hồi tháng 8/2017 và sau đó hoá trị 4 liều. Cuối tháng 1/2018 đây xét nghiệm đột biến gen kết quả đột biến gen Exon 19- Deletion. Pet CT thì thấy mới di căn trong phổi.
Hiện tại trong phổi có dịch và đang hút dịch. Thứ 4 này sẽ xuất viện và uống thuốc đích.
Bác sỹ chỉ định phương pháp uống thuốc đích để điều trị. Nhưng hiện tại lên mạng em thấy có mấy loại thuốc đích, nên không biết nên sử dụng loại nào hiệu quả ạ.
Em có nghe nói đến thuốc Targisso nhưng ơt VN chưa có hàng công ty chính thức. Không biết có thể mua qua đường nào và chi phí khoảng bao nhiêu ạ.
Và trong quá trình uống thuốc đích thì mình nên uống thuốc gì để bổ trợ cho gan không?!
Bác có thể chia sẻ giúp em một số thông tin không ạ.
Em chân thành cám ơn bác sỹ.
Hiện nay có 3 loại EGFR TKI được chấp thuận là afatinib, gefitinib, erlotinib đều có hiệu quả ngang nhau.
Tagrisso (osimertinib) là TKI mới, nghiên cứu cho thấy tốt hơn các thuốc nói trên nhưng chưa được chấp thuận chính thức nhưng có lẽ trong vài tháng nữa sẽ được.
Như vậy dùng Tagrisso là tốt nhất
Chào Bác Sỹ,
Mẹ em (76 tuổi)bị u phổi, mô viêm không xâm lấn ác tính.
Đã uống Iressa 250mg được hơn 1 tháng và sức khỏe tốt hơn, giảm ho rất nhiều, không còn khó thở. Chụp phim lại sau 20 ngày kết quả rất tốt.
Bác sỹ cho em hỏi nếu không xâm lấn ác tính, tiếp tục uống Iressa hay điều trị khác (xạ trị, hóa trị...) và khả năng hồi phục cao không thưa bác sỹ (vì khám ở Đà Nẵng bác sỹ dự liệu tối đa là 6 tháng)
em cám ơn Bác Sỹ.
Trân trọng,
Để xác định chắc chắn là ung thư phổi cần có kết quả sinh thiết. Trường hợp của mẹ bạn là mô viêm không xâm lấn ác tính tức là không ung thư. Tôi đoán là bạn đã trích dẫn không đầy đủ phiếu sinh thiết, có thể còn vài kết quả nữa khẳng định là ung thư (carcinoma) mà bạn còn thiếu hay không?
Chào bác sĩ.
Mẹ em 61 tuổi,co triệu chứng ho,nhức ngực,có nổi hạch ở cổ.Ngày 14-11-2016 Mẹ em đi khám bệnh,bác sỉ cho chụp ct ngực có kết quả:khối u cạnh rốn phổi phải d=35mm ,TD DI CĂN PHỔI VÀ HẠCH TRUNG THẤT,cửa sổ phổi:vi nốt lan tỏa 2 bên.
Sau đó bac sỉ mổ lấy hạch ở cổ kiểm tra chuẩn đoán giảiphẩu bệnh:CARCINOME TUYẾN.GRADE I.DANG
NHÚ.DI CĂN VÀO HẠCH.NGHĨ ĐẾN XUẤT XỨ TỪ PHỔI.Bác sĩ chỉ định dùng thuoc Geftinat 250 mg.MẸ em uống thuốc và đi tái khám chụp ct bác sĩ nói khối u biến mất.
Đầu năm 2018 mẹ em liên tụt nhức đầu,ho nhiều,đau nhức lưng,có hạch nổi ở cổ,me không ăn được,sụt cân.Mẹ đi tái khám,chụp ct não bác sĩ nói não binh thường,chụp sieu am phoi binh thường,bác sĩ kêu tiếp tụt uống thuốc geftinat 250 mg.Hiện tại mẹ em vẫn nhức đầu,ho,không ăn được,không ngủ được.
BÁC SĨ cho em hỏi mẹ em có bị kháng thuốc không ạ,nếu bị kháng thuốc thì phải chuyển sang loại thuốc nào,nếu tinh trang nay kếu daì em sợ mẹ sức khỏe ngày càng xấu thêm.Bác sĩ cho em hỏi thêm ạ CARCINOME TUYẾN.GRADE I là gì ạ,mẹ em đang bị giai đoạn mấy ạ,mẹ em sống được bao lâu a.BAC SĨ làm ơn tư vấn và cho em biet phương hướng điều trị tiếp theo cho mẹ em sức khỏe ngày một tốt hơn ạ.Em chân thành cảm ơn bác sĩ.
Nếu CT não không thấy u di căn mà bệnh nhân vẫn có triệu chứng nghi ngờ thì nên làm MRI não.
Mẹ của bạn nên chụp CT phổi chứ siêu âm thì không hay bằng CT
Chào bác sĩ,
Chồng em xác định K phế quản phổi, giai đoạn IIIb, di căn màng phổi, có đột biến gien hiện điều trị Tarceva được 1 tháng 2 ngày. Sau điều trị 28 ngày xét nghiệm thì CEA giảm từ 104,6 xuống 32. Tác dụng phụ là bị nổi mụn rất nhiều ở mặt, lưng, đầu, 3 ngày nay bị đi ngoài hiện bác sĩ kê thuốc cầm và có cảnh báo thuốc đó không được lạm dụng do gây xoắn ruột. Cách đây 1 tháng có hiện tượng ho khạc ra chút máu lẫn đàm, mất tiếng, sau đó không bị ho như vậy nữa nhưng vẫn ngứa cổ như viêm họng. Em đọc comment của bác sĩ thì thấy thuốc Tagrisso (osimertinib) là TKI mới có kết quả tốt hơn cả.Vậy em có nên chuyển thuốc cho chồng không? Trường hợp không chuyển thuốc thì Tarceva bao lâu thì kháng thuốc và lúc đó em phải làm gì?
Chào bác sỹ.
Mẹ em năm nay 63t bị ung thư phổi đang dùng iressa được 8 tháng, sức khỏe bình thường,chụp CT khối u chưa di căn sang các nơi khác
Em muốn hỏi bác sỹ trường hợp của mẹ em có thể mổ để cắt bỏ khối u được ko ạ
Cảm ơn bác sỹ.
Trả lời cho bạn khanhntv
Có 3 lý do không nên chuyển sang Tagrisso:
1. Tagrisso hiện nay (3/2018) chưa có tại Việt Nam.
2. Tarceva đang có hiệu quả tốt.
Như vậy bạn cứ yên tâm vì chồng của bạn đang được điều trị có hiệu quả.
Nghiên cứu cho thấy sau khoảng 12 tháng thì Tarceva bị kháng thuốc (đó là số trung bình, một số người có thể đến 4-7 năm!), Nếu kháng thuốc thì thử máu máu, nếu thấy có đột biến T790M thì mới dùng Tagrisso, nếu không có T790M thì cuyển sang hóa trị
Trả lời cho bạn Thai nguyen nam:
Iressa chỉ được dùng cho những bn ở giai đoạn di căn. Bạn cho biết là mẹ của bạn chưa bị di căn nên tôi không rõ là có chính xác hay không.
Chào bác sĩ, ba em bị U phổi đi căn não đang điều trị với iressa . Về lý thuyết có thể chuyển đồi từ iressa sang tarceva và ngược lại không ai?
1. Nếu vì lý do không có thuốc hoặc tác dụng phụ thì có thể chuyển được
2. Nếu vì lý do kháng thuốc nên muốn thay đổi thì Không chuyển được
Chào bs Tuấn Khôi,
Mẹ tôi 66 tuổi, đã phẫu thuật cắt bỏ khổi u phổi ngày 5/5/2017, sau đó hoá trị 6 đợt, xạ trị 25 mũi. Vừa rồi me toi đã tái phát di căn não và xương. U não thì mẹ tôi đã được xạ phẫu bằng Gamma quay ngày 10/5/2018, nay đã tạm ổn. Còn xương vè số 7,8 rất đau.
Ngày hôm qua Bệnh viện chỉ định mẹ tôi dùng Tảceva. Tôi thật sự chưa an tâm bởi lẽ đột biến gen của mẹ tôi như sau:
- Có đột biến thay thế T790M ở exon 20 và đột biến thay thế ở L858R ở exon 21 ở gen EGFR
- Không có đột biến ở exon 18 và 19 gen EGFR
Mẹ tôi bị Carcinoma tuyến.
Mong Bs Tuấn tư vấn giúp cho tôi!
Xin cảm ơn bác sỹ!
Trả lời cho bạn Khoa Lê
Trường hợp mẹ của bạn là một trường hợp rất hiếm gặp: ngay từ đầu đã có 2 đột biến: nhạy thuốc (L858R) và kháng thuốc (T790M). Cho đến giờ người ta vẫn chưa có nghiên cứu với số lượng lớn bệnh nhân xem điều trị Tarceva có hiệu quả hay không?
Tôi có bàn đến trường hợp này qua bài https://nguyentuankhoi.blogspot.com/2015/06/ot-bien-kep-egfr-nhay-thuoc-va-khang.html mời bạn xem thêm.
Cho nên tạm thời, chúng ta vẫn phải điều trị Tarceva như bệnh viện là đúng. Nêu như có điều kiện dùng Tagrisso (rất đắt tiền) thì lại càng tốt hơn.
Chào bác sĩ!
Mẹ tôi bị K phổi 5 năm trước (2013), đã tiến hành mổ cắt 1/3 phổi bên phải. Gần đây đi khám sức khoẻ định kỳ có phát hiện: Dịch màng phổi và có khối U tại màng phổi phải (là 1 quầng gồm nhiều chấm nhỏ có kt 1,8x3cm), mẹ tôi luôn đi khám sức khoẻ định kỳ và lần gần đây nhất là 8/2017. Đã kiểm tra và chưa có di căn, chỉ số máu ko có gì. Bs kết luận là K tái phát có di căn và chỉ định dùng thuốc, hiện tại đang chờ kq gien để dùng thuốc đích. Tôi có mấy câu hỏi nhờ bs tư vấn
- Bs kết luận và chỉ định như vậy có vội quá ko (ko sinh thiết lại, xét nghiệm gien thông qua máu)
- Giai đoạn như mẹ tôi dùng thuốc có hiệu quả ko?
- Bây giờ thuốc đích thì loại nào tốt nhất?
P/s: mẹ tôi phát hiện bệnh đều do đi khám sk định kỳ hàng năm, chưa bao giờ có triệu chứng
Cảm ơn bác sĩ!
Viêc sinh thiết lại là rất khó khăn và đôi khi gây nguy hiểm cho bn. Cho nên việc chẩn đoán tái phát thường chỉ dựa trên hình ảnh là đủ.
Vì khó khăn trong việc sinh thiết lại nên thử máu để tìm đột biến gene là hơp lý.
Thuốc điều trị đích tốt nhất hiện giờ là Tagrisso
Cám ơn bác sĩ nhiều!
Tôi cũng muốn hỏi thêm 1 chút nữa về tác dụng phụ khi sử dụng thuốc:
- Sử dụng thuốc đích (uống) có nhiều tác dụng phụ như truyền hóa chất không? (mệt mỏi, nôn khan, suy nhược cơ thể,...), tất nhiên là xét trên mức độ biểu hiện (mẹ tôi năm nay 70 tuổi)
- Khi sử dụng thuốc thì có lưu ý gì là đặc biệt không?
- Hiện nay kết quả điều trị thước đích ở Việt Nam có khả quan ko ạ?
Chân thành cảm ơn bác sĩ!
Hầu như không có tác dụng phụ, có thể nổi mụn ở mặt, tỉ lệ đáp ứng rất cao (>70%)
Thưa BS bố cháu bi UTP giai doan 2 , kiem tra CT thi tat ca binh thuong chua di can.
Hiện tại bay h có thuốc gì chữa UTP mà không fai phau thuật + xa hóa tri k a, để làm tan biến khối u đi ko a va du kiến chi phi 1ngay la bao nhieu vs time chua bao lau ( vi chau muon biet để còn chuẩn bi kinh tế ) Cháu cam on bac si.
Ung thư phổi giai đoạn 2 thì phẫu thuật giúp khỏi bệnh trong phần lớn trường hợp.Vì vậy bạn nên khuyên bố của bạn nghe theo lời BS để PT hoặc xạ trị. Không có loại thuốc nào tốt hơn PT hay xạ trị trong giai đoạn này.
Con chào bác sĩ Khôi
Hiện tại mẹ con đang bị K phổi giai đoạn IV di căn não và xương, sau khi xét nghiệm toàn bộ thì cho kq sinh thiết là ung thư tuyến xâm nhập và có đột biến gen Ex19. Thì được chỉ định dùng thuốc đích thế hệ 3 Targix 80mg, con cũng có tham khảo trên mạng thì thuốc này mới được FDA phệ duyệt đầu năm 2018 vừa rồi còn trước kia thì không. Vậy BS cho con hỏi tình trạng mẹ con hiện tại bây giờ nếu điều trị thuốc thế hệ 3 có tốt hơn thế hệ 1 hay 2 không ? Và khả năng kháng thuốc của thế hệ 3 là khoảng bao lâu ? Với lại 1 vấn đề nữa là não mẹ con bị di căn khá nhiều khối u, nên Bs khuyên làm xạ trị toàn não tốt hơn là gamma knife ? Như vậy có đúng k ạ. Từ ngày mẹ con uống đc 5 ngày thuốc thì có triệu trứng đau nhưc toàn người buồn ói, phần tay và chân bên trái không còn cử động linh hoạt nữa, vậy nó là tác dụng phụ của thuốc hay là do bệnh ? Cám ơn BS mong bác trả lời con sớm.
1. Nghiên cứu FLAURA cho thấy thuốc thế hệ 3 tốt hơn thế hệ 1, đặc biệt trong trường hợp DC não. Bạn có thể xem http://nguyentuankhoi.blogspot.com/2018/04/tagrisso-chinh-thuc-uoc-fda-phe-chuan-e.html
2. Sau 19 tháng thì thuốc thế hệ 3 sẽ bị kháng
3. Xạ trị toàn bộ não sẽ tốt hơn trong trường hợp này. Nhưng nếu chưa có triệu chứng TK thì chưa cần xạ ngay vì thuốc thế hệ 3 có tác động lên u não
Dạ vậy nếu sau 19 tháng kháng thuốc thì mình còn phác đồ điều trị bằng thuốc nào nữa không ạ ? Hay phải sang phác đồ khác ? Với lại có ai uống thuốc này mà vượt qua được mốc 19 tháng chưa bị kháng không bác sĩ ? Cám ơn
Số 19 tháng là trung bình vì vậy có những "cá nhân xuất sắc" sống hơn 2 năm. Vì nghiên cứu còn đang tiếp tục nên chưa biết bn sống tối đa là bao nhiêu năm
Nếu kháng osimertinib thì chuyển sang hóa trị
chao bac si.Mẹ em bi k phổi giai đoạn IV,uong thuoc iressa được gần 2 năm .Gần đây mẹ em đi tái khám phát hiện có tràn dịch 1 ben phổi phải.Mẹ em được điều trị hút dịch phổi va xet ngiệm đột biến gen va tiếp tục uống thuốc đích Afatinib 40mg.
Vậy Bác si cho em hỏi ,hiện tại mẹ em uống được 5 viên afatinib thì bị tiêu chảy và có ho ra ít máu,mẹ em uống smecta thi thấy giảm tiêu chảy.
Nếu ngưng uống smecta mà tình trạng tiêu chảy vẩn tiếp tụt thì mẹ em có ngưng uống thuốc Afatinib 40mg không vậy bác sỉ.
Đang dùng Iressa lại chuyển qua afatinib thì rất khó hiểu! Vì nếu kháng với Iressa thì sẽ chuyển qua Osimertinib (nếu có đột biến T790M) hoặc hóa trị.
Nếu tiêu chảy đã ổn khi dùng smecta thì cứ tiếp tục. Nếu tiêu chảy nặng hơn thì phải giảm liều afatinib xuống 30mg hoặc 20mg
Cháu chào chú Khôi. Bố cháu bị ung thư phổi giai đoạn 4 (đã tràn dịch màng tim và phải hút dịch + men gan cao 1500 đã điều trị hạ men gan về 100).
Sinh tiết dịch màng tim thì kết luận ung tư phổi Di can carcinoma tuyến.
Xét nghiệm đột biến gen thì thì có 2 gen đột biến là L861Q(15%) và G719D(15%).
Bố cháu chưa trải qua điều trị hoá trị và xạ trị.
Các bác sĩ thì chỉ định dùng Afatinib vì nói là đột biến gen của bố cháu là đột biến gen hiếm. Cháu muốn hỏi chú trong trường hợp này của bố cháu thì Afatinib có rì khác biệt với Iressa, Tarceva ko ạ. Cháu cảm ơn chú nhiều
Trong các nghiên cứu của afatinib, người ta có tuyển chọn những bệnh nhân có đột biến hiếm gặp như trong trường hợp bố của bạn và những trường hợp này đều thành công. Tuy nhiên trong các nghiên cứu của cá TKI khác, người ta không chọn những bn có đột biến như trên, cho nên chúng ta cũng không biết là nếu dùng các TKI khác trong trường hợp này thì có lợi hay không
Post a Comment