Saturday, March 14, 2015

TRỊ UNG THƯ BẰNG TẾ BÀO GỐC ?



(bài tôi trả lời trên Báo Thuốc và Sức Khỏe 15 tháng 3 năm 2015, lấy bút danh BS Nguyên Duy)
Hỏi: Gần đây tôi thấy trên các báo đăng thông tin có một phương pháp mới chữa ung
thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi đó là ghép tế bào gốc máu tự thân. Xin
bác sĩ vui lòng giải thích về điều này, ghép tế bào gốc tự thân có thật sự điều
trị ung thư được không?

 

Có thể trả lời nhanh câu hỏi của bạn đọc như sau:
- Ghép tế bào máu gốc tự thân  không phải là phương pháp mới vì đã được thực hiện từ 1984.
- Ghép tế bào máu gốc tự thân không phải là phương pháp điều trị ung thư mà chỉ là phương pháp hỗ trợ cho hóa trị . Với phương pháp này bác sĩ có thể hóa trị liều cao mà không  sợ tác dụng phụ suy tủy do hóa trị.
- Ghép tế bào máu gốc tự thân nhằm mục đích hóa trị liều cao không có chỉ định chính thức trong các ung thư mà bạn đọc đã nêu (ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư phổi) vì các nghiên cứu trong khoảng hai mươi năm qua trên thế giới đã không chứng minh được ích lợi của phương pháp này.
Tuy vậy để câu trả lời có cơ sở khoa học hơn tôi bàn luận kỹ hơn về phương pháp này:
Tế bào ung thư thường sinh sản rất nhanh, chúng sinh sản bằng cách tự phân đôi để từ một tế bào tạo ra hai tế bào (gọi là phân bào). Hóa trị là dùng các thuốc có khả năng chống lại việc phân bào của tế bào ung thư.
- Điều không may cho chúng ta là các tế bào tạo ra máu cũng sinh sản nhanh như tế bào ung thư. Vì vậy hóa trị cũng tiêu diệt tế bào máu gây nên tác dụng phụ giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu rất nguy hiểm. Tác dụng phụ này còn gọi là suy tủy vì các tế bào máu được tạo thành từ trong tủy xương bởi tế bào máu gốc.
- Chính vì e sợ tác dụng phụ này mà đôi khi bác sĩ phải giảm liều thuốc hóa trị, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Làm cách nào để có thể hóa trị với liều rất cao mà không bị suy tủy ? – Có rất nhiều cách, ghép tế bào máu gốc tự thân là một trong những cách đó.
Ghép tế bào máu gốc tự thân (autologous bone marrow transplant -ABMT) nhằm mục đích hóa trị liều cao (high-dose chemotherapy -HDC) đã được thực hiện trên thế giới từ 1984. Phương pháp này được tiến hành như sau
Trước khi hóa trị người ta sẽ lấy máu bệnh nhân, lọc ra những tế bào gốc sau khi dùng các thuốc kích thích tủy xương tạo thêm nhiều tế bào máu gốc (tế bào máu gốc đa  số ở trong tủy xương nhưng cũng có một số ở trong dòng máu). Các tế bào máu gốc này được lưu trữ chờ để khi hóa trị xong sẽ được truyền trả lại cho bệnh nhân để chúng thực hiện việc tạo ra những tế bào máu mới. Nhờ lấy các tế bào máu gốc ra khỏi cơ nên tế bào máu gốc này tránh được hóa trị nhờ đó  bác sĩ có thể thực hiện hóa trị liều cao hơn bình thường mà không lo sợ hóa trị sẽ làm hại đến các tế bào này. Tuy vậy hóa trị với liều cao là một việc làm hết sức nguy hiểm vì bệnh nhân sẽ sống trong giai đoạn không có bạch cầu trong máu khoảng 1 tuần với nguy cơ nhiễm trùng rất cao; giai đoạn này bệnh nhân phải nằm trong phòng cách ly, vô trùng tuyệt đối và dung các kháng sinh phòng ngừa.


Chúng ta cần phải biết, hai trở ngại lớn mà hóa trị gặp phải là:
(1) Liều thuốc điều trị bị giới hạn: Không thể nâng cao liều hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư được nhiều hơn vì nếu nâng liều càng cao thì gây suy tủy càng nhiều
(2) Các tế bào ung thư kháng thuốc.
Ghép tế bào máu gốc tự thân có thể khắc phục trở ngại (1) nhưng không giải quyết được trở ngại (2). Vì vậy về mặt lý thuyết các loại ung thư ít kháng thuốc  hóa trị như một số loại ung thư máu, bệnh lim-phôm… sẽ đạt được nhiều lợi ích khi áp dụng phương pháp này. Ngược lại các loại bướu hay kháng thuốc như  ung thư  phổi, ung thư buồng trứng, ung thư vú sẽ không hoặc ít đạt được lợi ích từ phương pháp này. Điều này cũng dễ hiểu, một khi tế bào đã kháng thuốc thì việc nâng cao liều là vô nghĩa, có khi còn có hại thêm cho bệnh nhân.
Đó là suy luận dựa trên lý thuyết. Y khoa hiện đại coi trọng thực tế qua các nghiên cứu. Vậy thì các nghiên cứu cho ta biết những gì ?
Kết quả các nghiên cứu trong 20 năm gần đây đã cho thấy ích lợi của phương pháp này đã đạt được chỉ ở một số ít loại ung thư nên đã có chỉ định chính thức của phương pháp ghép tế bào máu gốc tự thân nhằm mục đích hóa trị liều cao trong các bệnh sau: bệnh bạch cầu tủy cấp dòng tủy và dòng nguyên bào lim phô; bệnh bạch cầu mãn dòng tủy; bướu nguyên bào thần kinh; limphôm không Hodgkin; sar côm Ewing;  Bệnh Hodgkin; hội chứng loạn sản tủy.
Các ung thư còn lại không được chỉ định ghép tế bào máu gốc tự thân nhằm mục đích hóa trị liều cao vì đã thất bại trong nhiều nghiên cứu.
Với ung thư vú, tác giả Berry và các cộng sự sau khi khảo sát 6 nghiên cứu lớn đã kết luận trên tờ  Journal of Clinical Oncology, August 20, 2011 như sau:  “… ghép tế bào máu gốc tự thân nhằm mục đích hóa trị liều cao không đem lại lợi ích hoặc lợi ích quá nhỏ cho tất các bệnh nhân ung thư vú giai đoạn di căn xa, ngay cả khi khảo sát các phân nhóm với đặc điểm khác nhau cũng không thấy phân nhóm nào có lợi ích”. Kết luận này đã chấm dứt hầu hết các ý định nghiên cứu về đề tài này kể từ đó.
Các ung thư khác như ung thư phổi, ung thư buồng trứng cũng đã có kết quả  tương tự hoặc tệ hơn ung thư vú vì tác dụng phụ của phương pháp này có thể làm hại bệnh nhân đáng kể.
BS Nguyên Duy



No comments: