Monday, May 2, 2016

Ung Thư Đại-Trực Tràng



(Bài đã đăng trên Báo Thuốc và Sức Khỏe tháng/2016 - Bút danh BS Nguyên Duy)
 
Ung thư đại trực tràng là ung thư của đại tràng hoặc của trực tràng. Đại tràng và trực tràng 
(còn được gọi là ruột già) là đoạn cuối cùng cùng ống tiêu hóa của con người. Chúng ta nên tìm hiểu 
thêm về đường ống tiêu hóa để từ đó hiểu rõ hơn về đại trực tràng. (Hình 1)



Ống tiêu hóa bắt đầu từ miệng, thức ăn được nuốt vào sẽ đi theo thực quản vào đến bao tử (dạ dày). 
Thức ăn nằm lại ở dạ dày vài chục phút cho đến vài tiếng để bao tử co bóp và tiết ra chất dịch có chứa 
a xít để biến đổi. Sau đó thức ăn sẽ được đưa dần dần xuống ruột non. Tại ruột non thức ăn tiếp tục 
được biến đổi bởi các dịch tiêu hóa để cơ thể hấp thu dễ dàng các chất dinh dưỡng qua thành của ruột 
non. Bây giờ thì thức ăn đã bị biến đổi thành một chất bã sền sệt và còn rất ít chất dinh dưỡng. 
Chất bã sền sệt này gọi là phân, sẽ được ruột non được xuống đại tràng rồi trực tràng rồi thải ra ngoài. 
Như vậy trực tràng chính là đoạn tận cùng của đường ống tiêu hóa, dài khoảng 25 cm, ngắn hơn đại tràng.
Đại tràng rất dài, xem hình có thể thấy nó gấp khúc bốn đoạn rõ rệt: đại tràng phải, đại tràng ngang, đại 
tràng trái, đại tràng xích ma. Trong lòng của đại tràng và trực tràng được lót bởi một lớp tế bào biểu mô 
tuyến, tế bào biểu mô tuyến này có chứa chất nhầy để tiết vào lòng ruột làm trơn phân và bảo vệ ruột. 
Ung thư đại trực tràng sẽ khởi phát từ các tế bào biểu mô tuyến này, tế bào ung thư có tên gọi là tế bào
 carcinoma tuyến. 
Các tế bào carcinoma tuyến sinh sản rất nhanh tạo một khối u sùi như bông cải hay tạo một vết loét. 
Khối u trong lòng đại tràng hoặc trực tràng tăng kích thước làm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khiến bệnh nhân tìm đến bác sĩ và ung thư đại trực tràng được chẩn đoán. 

Triệu chứng của ung thư đại trực tràng

Sự phát triển của khối u có liên quan rất nhiều đến triệu chứng của bệnh nhân 
1. Khối u quá nhỏ, khoảng 1-2cm hầu như không có triệu chứng gì cả. Những khối u này thường được 
   phát hiện nhờ nội soi trực đại tràng khi tầm soát ung thư.
2. Khối u lớn lên thường gây nên hai hiện tượng: chảy máu và hẹp khẩu kính của ruột. Tùy theo vị trí của 
   u mà biểu hiện của hai hiện tượng này thành triệu chứng có khác nhau. (Hình 2)

 - Nếu khối ở đại tràng phải hoặc ngang chảy máu, vì u ở xa hậu môn nên sau khi máu chảy sẽ lẫn với 
   phân và nằm trong ruột một thời gian dài khiến cho máu chuyển màu từ đỏ sang đen làm cho bệnh 
   nhân đi cầu ra phân đen. 
 - Khối u ở đại tràng trái hay đại tràng ngang dễ làm hẹp lòng đại tràng khiến phân khó lưu thông qua 
 chỗ hẹp này. Trong khi đó, ruột cố gắng co thắt để đẩy phân qua chỗ hẹp khiến bệnh nhân bị đau bụng 
 theo kiểu quặn từng cơn. Nếu khối u gây bít tắc hoàn toàn bệnh nhân rơi vào tình trạng tắc ruột, 
   đau bụng dữ dội, quặn từng cơn phải nhập viện để mổ cấp cứu.
 - Khối u ở trực tràng hoặc đại tràng xích ma chảy máu sẽ kích thích làm cho bệnh nhân đi cầu ra máu đỏ 
 tươi. Khối u ở trực tràng thường không gây tắc ruột vì trực tràng có khẩu kính khá lớn, u ở vị trí này làm 
cho bệnh nhân mót rặn đi cầu ra máu tươi có lẫn đàm nhớt làm bệnh nhân lẫn thầy thuốc hay lầm lẫn với 
bệnh kiết lỵ. Bệnh nhân cũnghay đi cầu ra phân dẹp, nhỏ do bướu cản đường ra của phân.
   
Như vậy, triệu chứng khả nghi và thường gặp của ung thư đại trực tràng là:
- Đi cầu ra máu
- Đi cầu ra máu lẫn đàm nhớt kèm theo mót rặn
- Đi cầu phân đen
- Đau bụng quặn từng cơn
Khi bệnh nhân có triệu chứng nói trên đến với bác sĩ thì việc bác sĩ nghĩ tới và chẩn đoán xác định là 
không khó vì đây là những triệu chứng điển hình. Tuy nhiên khó khăn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán là 
do bệnh nhân có những triệu chứng không điển hình.
Những triệu chứng không điển hình:
- Khối u có thể chảy máu nhưng ít nên bệnh nhân không có triệu chứng đi cầu ra máu đỏ. 
 Cũng không có đi cầu ra phân đen. Tuy nhiên vì máu chảy, rỉ rả nhưng kéo dài nên bệnh nhân trở nên 
 thiếu máu. Triệu chứng thiếu máu là: mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao. Thiếu máu có rất nhiều nguyên 
  nhân, việc tìm ra nguyên nhân thiếu máu là do ung thư đại trực tràng là không dễ dàng. 
- Khối u không đủ lớn để gây tắc ruột, chỉ gây cản trở lưu thông của phân trong ruột khiến bệnh nhân có 
 những triệu chứng rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Rối loạn tiêu hóa hầu như rất phổ 
 biến và do rất nhiều nguyên nhân. Chúng ta cần cảnh giác với rối loạn tiêu hóa kéo dài hơn 2 tuần không
 thuyên giảm xảy ra ở những người trên 50 tuổi.
Như vậy bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể biểu hiện bằng những triệu chứng của thiếu máu, rối 
loạn tiêu hóa, nếu đến khám bệnh thì bác sĩ chúng tôi sẽ “truy tìm” tất cả nguyên nhân gây ra. Có rất 
nhiều nguyên nhân trong đó có ung thư đại trực tràng.

Chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Khi bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ ung thư đại trực tràng bác sĩ sẽ khám lâm sàng cho bệnh nhân và thực hiện nhiều xét nghiệm để chẩn đoán xác định.
1. Khám trực tràng bằng ngón tay: Dùng ngón thay có đeo găng, bôi trơn rồi đưa vào lỗ hậu môn. Nếu có 
 khôi u, ngón tay sẽ cảm nhận được và khi rút găng ra thì thấy trên găng có máu do bướu rất hay chảy 
 máu. Tuy nhiên, ngón tay dài khoảng 8cm nên chỉ có thể xác định các khối u ở gần hậu môn mà thôi.
2. Chụp X quang đại tràng có cản quang: Bơm chất lỏng có chứa chất cản quang barium qua ngã hậu môn,
 thuốc sẽ đi ngược từ hậu môn lên trực tràng, đại tràng xích ma, đại tràng trái, đại tràng ngang, đại tràng 
 phải rồi dừng ở đó, không qua đuộc ruột non vì giữa ruột non và đại tràng phải có van một chiều. 
 Thuốc cản quang này sẽ tráng toàn bộ lòng ruột nên khi chụp X quang, hình ảnh của toàn bộ đại tràng 
 và trực tràng sẽ hiện rõ. (Hình 3).

Khám trực tràng bằng ngón tay, chụp X quang đại tràng và trực tràng có cản quang đều là những phương 
pháp giúp bác sĩ tăng thêm độ tin cậy của chẩn đoán nhưng không giúp xác định chắc chắn là ung thư. 
Muốn xác định chắc chắn là ung thư, khối u cần phải được sinh thiết (cắt một mảnh nhỏ) để làm xét 
nghiệm. Như vậy phải có cách tiếp cận tới khối bướu nhưng khối bướu lại ở trong ruột nên người ta phải 
sử dụng phương pháp nội soi đại tràng và trực tràng. 
3. Nội soi đại tràng và trực tràng: Nhờ ống nội soi nhỏ và mềm dẻo nên bác sĩ có thể có thể đưa ống này 
 qua hậu môn để vào trực tràng rồi đi ngược lên khắp đại tràng. Đầu ống có gắn đèn và camera nên có thể
 quan sát toàn bộ lòng đại tràng và trực tràng qua màn hình nối tiếp với camera này. Nếu thấy bướu, bác sĩ  sẽ điều khiển kềm bấm ở đầu ống nội soi cắt một mảnh bướu. Mảnh bướu này sẽ được đưa về phòng xét 
nghiệm giải phẫu bệnh. Kết quả lành tính hay ung thư sẽ được phòng xét nghiệm trả lời từ 
3-7 ngày. (Hình 4)

Trên đây là các phương pháp chẩn đoán xác định ung thư đại trực tràng. Tuy nhiên, cần phải dùng thêm 
nhiều phương pháp khác: siêu âm, chụp CT, chụp MRI để chẩn đoán mức độ (giai đoạn) của bướu 

Diễn tiến của ung thư đại trực tràng 

Thành ruột khá mỏng manh, khối u ban đầu còn nằm ở lớp lót trong lòng ruột (lớp tế bào biểu mô tuyến) 
sau đó dần dần xâm lấn đến lớp ngoài của ruột rồi phá lớp ngoài cùng của ruột, xâm lấn đến các cơ quan 
bên cạnh.(Hình 5)

- Các tế bào ung thư có thể theo các mạch bạch huyết di căn đến các hạch trong bụng.
- Tế bào ung thư cũng có thể theo các mạch máu đến các cơ quan khác gọi là di căn xa: di căn gan, di căn
  phổi. 

Điều trị

Có ba phương pháp điều trị chủ yếu: phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa. Phẫu thuật là phương pháp 
chủ yếu.
Phẫu thuật:
Cắt bỏ một đoạn ruột chứa bướu rồi nối hai đầu vừa cắt lại với nhau. Phương pháp này gọi là cắt đoạn 
đại tràng. Có khi không thể nối ruột lại nên phải đưa đầu trên của ruột ra ngoài da để phân thoát ra ngoài, 
gọi là làm hậu môn nhân tạo.
Xạ trị: 
Dùng máy chiếu tia phóng xạ sau khi phẫu thuật để tận diệt các tế bào ung thư còn sót lại
Điều trị nội khoa:
- Hóa trị: 
 Hóa trị được dùng sau khi mổ gọi là hóa trị hỗ trợ.
 Hóa trị còn được dùng trong những trường hợp bệnh đã ở giai đoạn di căn, không còn
 phẫu thuật được nữa.
 Thuốc hóa trị thường là những thuốc được đưa vào cơ thể qua đường truyền tĩnh mạch: 5-FU, oxaliplatin,
 irinotecan. Gần đây đã có thuốc hóa trị dạng viên uống, capecitabine rất tiện cho điều trị.
- Điều trị nhắm trúng đích: các thuốc chống sinh mạch như Avastin (bevacizumab), Zaltrap (aflibercept), 
regorafenib. Thuốc ức chế thụ thể EGFR như panitumumab, Erbitux (cetuximab) 

Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng ? 

Nếu có triệu chứng, bệnh không còn sớm vì vậy phải phát hiện được bệnh khi bệnh nhân chưa có triệu chứng, y khoa 
gọi là tầm soát.
Có 4 phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng:
1. Tìm máu ẩn trong phân - FOBT (Fecal Occult Blood Test): Lấy một mảnh nhỏ phân đưa về phòng xét nghiệm để tìm 
máu (hồng cầu) có trong phân. Nếu trong phân có hồng cầu thì bác sĩ sẽ nghi ngờ rằng có khối u trong đại tràng và 
trực tràng chảy máu.
2. Soi đại tràng xích ma: ống nội soi ngắn, chỉ có thể quan sát được trực tràng và đại tràng xích ma.
3. Chụp X quang đại tràng và trực tràng có cản quang
4. Soi đại tràng và trực tràng: Ống soi dài, cho phép quan sát toàn bộ đại tràng và trực tràng.
Các phương pháp này sẽ được tiến hành định kỳ cho những người có nguy cơ cao: trên 50 tuổi, có cha mẹ hoặc con cái 
đã mắc bệnh ung thư đại trực tràng...
BS Nguyên Duy







No comments: