Friday, April 15, 2016

Khàn tiếng và ung thư



Bài đăng trên Báo Thuốc và Sức Khỏe (ngày 1 tháng 4/2016), Bút danh BS Nguyên Duy
Trong chúng ta, hầu như ai cũng một vài lần trong đời bị khàn tiếng. Chứng khàn tiếng này thường xuất hiện sau một đợt cảm lạnh: sốt, ớn lạnh, ho rồi nuốt đau do viêm họng, vài ngày sau giọng nói bị khàn. Khàn tiếng tăng dần trong 2-3 ngày có khi mất hẳn tiếng rồi sau đó bớt dần rồi giọng nó trở lại bình thường đồng thời với các triệu chứng cảm lạnh mất hằn.
Cũng có khi khàn tiếng xuất hiện sau khi chúng ta hò hét quá to. TD: khi ủng hộ cho đội nhà trong một trận đá banh, do phải hò hét quá mức, khàn tiếng xuất hiện tức thì. Tuy nhiên, chứng khàn tiếng này cũng kéo dài chừng 2-3 ngày thì hết.
Đó là những tình huống khàn tiếng thường gặp nhất, không đáng sợ. Tuy nhiên, có khi khàn tiếng là biểu hiện của một trong ba loại ung thư đáng sợ: ung thư thanh quản, ung thư phổi, ung thư tuyến giáp.


















Dây thanh âm, bộ phận phát chính của con người. 
Dây thanh âm là một thành phần của thanh quản, tương ứng với vùng phía trước cổ, nơi vùng cổ có vẻ u lên mà người ta thường gọi là “trái cấm”. Chúng ta có thể cảm nhận bằng tay việc phát âm bằng cách lấy tay đặt lên vùng “trái cấm” này rồi phát âm to, sẽ thấy bộ phận này rung lên mạnh.
Mỗi người có hai dây thanh âm, hoạt động giống như dây đàn. Dây thanh âm phát ra âm thanh được là nhờ hai yếu tố  chính: các cơ vùng thanh quản co, kéo khiến dây thanh âm cử động. Hơi từ phổi thoát ra làm rung dây thanh âm.
Tại sao bị khàn tiếng ?
Do dây thanh âm trở nên bất thường. 
Dây thanh bất thường do:
  -  Dây thanh âm bị tổn thương như trong trường hợp bị cảm lạnh hoặc hét to như đã nói ở trên
  -  Dây thanh bị liệt: Một hoặc hai dây thanh không thể cữ động được.
Khi dây thanh bất thường, giọng nói bị “rè rè”. Tránh lầm lẫn khàn tiếng với những bất thường về giọng nói khác như: giọng nói của người bị nghẹt mũi, giọng nói của những người có lưỡi quá to.
Các loại ung thư có thể gây khàn tiếng:
Ung thư thanh quản:
Như đã nói, dây thanh âm là một thành phần của thanh quản. Ung thư thanh quản có thể làm tổn thương đến dây thanh làm khàn tiếng. 
Nếu khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần mà không có triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như: sốt, ho, nuốt đau thì phải nghi đến ung thư thanh quản. Bác sĩ sẽ nội soi thanh quản để quan sát hai dây thanh. Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của khoa học, nội soi thanh quản đã trở nên dễ dàng hơn. Ống nội soi nhỏ như sợi dây, rất mềm dẻo, đưa vào mũi hoặc miệng rổi tiến sâu vào họng. Đầu ống nội soi có gắn đèn để chiếu sáng, có camera để ghi lại hình ảnh. Hình ảnh này được truyền tới màn hình để bác sĩ nội soi quan sát. Đầu ống nội soi cũng có gắn kềm bấm để sinh thiết khối u. (Hình 1: ung thư thanh quản có khối u nằm ở dây thanh bên trái)  

Ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở trước cổ có hình dạng giống như con bướm. Tuyến giáp gồm hai thùy, mặt sau của mỗi thùy tiếp giáp với dây thần kinh quặt ngược thanh quản. Dây thần kinh quặt ngược thanh quản có nhiệm vụ điều khiển hoạt động của dây thanh âm. Khi tuyến giáp bị ung thư, khối u có thể chèn ép hoặc xâm lấn đến dây thần kinh này làm dây thanh âm bị liệt khiến giọng nói bị khàn. 
Ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp có kèm theo khàn tiến, khi bác sĩ nội soi sẽ thấy hình dạng hai dây thanh bình thường nhưng khi kiểm tra cử động của dây thanh bằng cách cho bệnh nhân phát âm “a” thì thấy chỉ một dây thanh cử động còn dây thanh kia bị “liệt”. Dây thanh bên bị liệt tương ứng với bên có bướu. Do chỉ có một dây thanh còn cử động nên phát âm của bệnh nhân trở nên khàn.


Ung thư phổi
Ung thư phổi có thể gây khàn tiếng do khối bướu chèn ép dây thần kinh điều khiển cử động của dây thanh âm. Thanh quản ở cổ, phổi ở lồng ngực, cách nhau khá xa, làm thế nào ung thư phổi có thể gây khàn tiếng ? Dây thần kinh quặt ngược thanh quản rất dài, xuất phát từ cổ rồi đi xuống lồng ngực rồi mới quặt ngược lên cổ để đi vào thanh quản để điều khiển cử động của dây thanh âm. Chính vì dây thần kinh quặt ngược thanh quản có một đoạn nằm trong lồng ngực nên khi đoạn này bị bướu chén ép sẽ gây khàn tiếng.

Các nguyên nhân gây khàn tiếng không do ung thư
Tuy nhiên phần lớn các trường hợp khàn tiếng đều không phải do ung thư. Ngoài hai trường hợp kể trên: do hét quá to, do cảm lạnh dẫn đến viêm thanh quản, có thể kể thêm các trường hợp khác.
- Do nghề nghiệp phải phát âm quá nhiều (giảng viên hoặc ca sĩ) khiến dây thanh bị tổn thương.  
 Trường hợp này thì bệnh nhân khàn tiếng nhiều năm, khi soi thanh quản thấy dây thanh bình thường, cử động cũng tốt.
- Do bệnh trào ngược dạ dày thực quản khiến dịch dạ dày có a xít làm dây thanh bị tổn thương.
- Do ho quá nhiều 
- Do bệnh suy giáp khiến dây thanh bị phù nề.
- Dây thanh âm có polyp
Cũng có khi khàn tiếng do thầy thuốc gây nên:
- Sau mổ bướu giáp, bác sĩ lấy bướu nhưng phạm phải dây thần kinh quặt ngược khiến dây thanh âm bị liệt.
- Đặt ống nội khí quản trong lúc gây mê, ống này có thể làm chấn thương dây thanh.
Tóm lại, khi khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần, chúng ta không được phớt lờ mà phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Tại đây, bác sĩ sẽ nội soi thanh quản để xem dây thanh âm có bất thường về hình dạng hoặc cử động hay không,

No comments: