Thursday, September 1, 2016

Các EGFR TKIs (Iressa, Tarceva) Có Điều Trị Được Ung Thư Phổi Di Căn Não Hay Không ?

Hoá trị hầu như vô dụng đối với ung thư phổi di căn não. Hàng rào mạch máu não cản trở hầu hết các thuốc hoá trị. Tại sao ?
Tại sao hàng rào mạch máu não lại cản trở các thuốc ?
Khe hở giữa các tế bào nội mạc mạch máu rất hẹp, các chất tan trong nước, muốn thấm vào nhu mô não phải chui được qua khe hẹp này. Các thuốc hoá trị đều có kích thước lớn nên không thể vượt qua khe hẹp này
Nhưng có chắc chắn có nhiều chất dinh dưỡng có thể thấm vào nhu mô não chứ, nếu không não sẽ chết ?
Đúng vậy, một số chất có thể thấm vào nhu mô não mà không cần chui qua khe gian bào, các chất này có cơ chế đặc biệt làm cho chúng có thể xuyên qua tấ bào nội mạc mạch máu.





 Cơ chế xuyên tế bào nội mạc mạch máu bao gồm:
1. Tan trong dầu
2. Nhờ các protein vận chuyển: glucose, aminoacids, các thuốc vinca alkaloid
3. Nhờ cac receptor vận chuyển đặc biệt
4. Tích điện thành các cation

Các thuốc EGFR TKIs như Tarceva, Iressa có khả năng xuyên thấu nói trên nên có thể thấm vào nhu mô não.

 Ngoài ra, khối u có thể xâm lấn mạch máu khiến thuốc có thể thấm vào nhu mô não mà không cần cơ chế đặc biệt. Chùng ta có thể thấy thuốc cản quang ngấm vào các khôi u não khi chụp CT.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng chứng minh sự hiện diện của các TKIs trong dịch não tuỷ


Nồng độ thuốc trong máu và dịch não tuỷ tỉ lệ thuận với nhau

Nồng độ erlotinib trong dịch não tuỷ cao hơn gefitinib

Đáp ứng của các khối di căn não khi điều trị với TKI khá cao
Với erlotinib là gần 80%


Với gefitinib cũng tương tự
Các kết quả này tạo cơ sở ban đầu rất tốt để tiếp nối bằng các nghiên cứu pha III để so sánh các phương pháp điều trị di căn não có hay không có bổ xung EGFR TKI với xạ trị hoặc phẫu thuật.
Còn trong thực hành lâm sàng hiện nay, có thể dùng TKIs cho các trường hợp di căn não khi người bệnh quá yếu, không thể phẫu thuật hay xạ trị được

6 comments:

Unknown said...

Kính chào Bác sĩ Khôi !
Thưa Bác sĩ Mẹ em bị chẩn đoán K phổi di căn não từ tháng 9/2014 sau đó đã được xạ trị và dùng thuốc đích iressa ngoại trú ở Viện K2 tính đến nay đã được 2 năm ! Cách đây 3 tháng tức là vào tháng 6/2016 em cho Mẹ đi khám tổng thể lại và kết quả não bình thường, khối u cũ ở Phổi thì đã xơ hóa ! Nhưng cách đây khoảng 3 tuần Mẹ em hay kêu chóng mặt và thi thoảng đau nhoi nhói ở đầu và đã 3 lần bị quỵ khi đang nấu cơm ! lúc ấy em có dìu Mẹ vào giường nằm nhưng chỉ độ 10 phút sau Mẹ em lại bình thường, huyết áp lúc ấy em đo thì thấy bị tụt thấp !
Vậy nên hôm 6/9/2016 vừa rồi em cho Mẹ đi khám tổng thể lại ở Viện K2 thì thấy u cũ ở phổi vẫn xơ hóa ,não hoàn toàn bình thường nhưng ĐẶC BIỆT chỉ số CEA lại tăng rất cao 62,2 và CYFRA 21-1 là 1,9 ( 3 tháng trước chỉ số CEA là 49,5 còn CYFRA 21-1 là 1,3 ) !
Vậy em muốn hỏi Bác sĩ Khôi là em nên làm gì trong trường hợp này và liệu có nên cho Mẹ đi chụp PET-CT để có được 1 sự đánh giá chuẩn xác hơn ko ạ ? Em có hỏi Bác sĩ điều trị về việc chụp PET-CT thì được bảo là TÙY gia đình nên em đang rất phân vân vì nghe bảo chụp PET là tiêm phóng xạ vô người nên hại ! Nhưng thật sự ko thể an tâm được khi chỉ số CEA lại cao dữ dội vậy ???
Cám ơn Bác sĩ rất nhiều !
Kính chào Bác sĩ !

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Để phát hiện sớm kháng thuốc EGFR TKIs hiện đang có nghiên cứu lấy máu của bệnh nhân để tìm đột biến T790M. Phương pháp này gọi là liquid biopsy. Nếu phát hiện có đột biến T790M thì chuyển sang dùng Tagrisso.
Những chuyện trên đay còn nằm trong vòng thử nghiệm.
Việc tăng CEA chỉ để báo động, cảnh giác phát hiện bệnh tiến triển thôi chứ không quyết định điều gì cả.
Do vậy, trường hợp của mẹ bạn vẫn được xem là thuận lợi, không cần phải thay đổi điều trị gì cả

Unknown said...

Chào bác sĩ, mẹ em bị K phổi có đột biến gen. đang điều trị tại bv 108. Mẹ em đc xác định giai đoạn IIIa, nên chỉ định phẫu thuật, sau phẫu thuật đc 2 tháng thì bắt đầu điều trị hóa chất bổ sung nhưng tới lần truyền hóa chất thứ 2 đi chụp MRI có phát hiện di di căn não 7mm ( lần truyền 1 bác sĩ ko cho đi chụp MRI). Em muốn hỏi là :
- mẹ em như vậy là ko đáp ứng hóa chất nên phải chuyển qua thuốc đích ạ? ( hay khối di căn não là có từ trước và điều trị hóa chất mới lần 2 nên chưa tác dụng?
- Mẹ em đợt truyền hóa chất lần 2 vào hôm 9/5/2017, em đã mua thuốc đích tarceva ở ngoài cho mẹ dùng thử, liệu có ảnh hưởng tiêu cực gì ko khi mẹ em vừa truyền hóa chất đợt 2? và nếu mẹ em ko đáp ứng tarceva có thể chuyển qua iressa hay ko? nếu diều trị tại bv 108 họ chỉ có iressa trong khi trước đó mẹ em đã dùng tarceva thì có sao ko ạ và bao lâu thì mình có thể thấy đc tác dụng của thuốc ( khối u não nhỏ lại )
em cảm ơn bác sĩ ạ, mong bác giải đáp giúp em.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Hoá trị không thể làm nhỏ khối u não được vì thuốc không vượt qua hàng rào mạch máu não.
Khối u trong não của mẹ bạn có kích thước nhỏ nên có thể mổ để lấy đi hoặc có thể xạ trị với máy gamma knife
Nếu muốn dùng Tarceva thì phải có xét nghiệm đột biến EGFR. Nếu không có đột biến thì không có hiệu quả điều trị. Tôi chưa rõ là mẹ của bạn có đột biến EGFR hay không?

Tarceva kết hợp với hoá trị thì không có lợi cho bệnh nhân
Không đáp ứng với Tarceva thì không chuyển sang Iressa vì chu7a có bằng chứng, hơn nữa hai thuốc này có cơ chế giống nhau.

Unknown said...

Kính Chào Bác sỹ Khôi,
Mẹ tôi bị k phổi đột biến gen exon 19-21, di căn 5 đốt cột sống, điều trị thuốc đích Tarceva từ tháng 3 đến 11/2016, Iressa từ tháng 12/2016 đến nay, do Tarceva có nhiều tác dụng phụ. Trong 8 tháng dùng Tarceva, khối u không phát triển, di căn không tiến triển, các cơn đau không còn, chỉ số CEA giảm. Sau 4 tháng đổi sang dùng Iressa, bệnh tiến triển, di căn gần như toàn bộ cột sống, các cơn đau cột sống trở lại, chỉ số CEA tăng, khối u to lên và có chân, tác dụng phụ có giảm song cải thiện không nhiều. Vậy 1/ bệnh tiến triển có phải do đổi từ Tarceva sang Iressa? (Taceva đáp ứng tốt hơn Iressa); 2/ bệnh tiến triển có phải do bắt đầu có hiện tượng kháng Iressa? 3/ quay lại dùng Tarceva có phải là một lựa chọn tốt? Có thể kháng Iressa mà không kháng Tarceva dù hai thuốc này cùng một cơ chế. 4/ trường hợp kháng thuốc iressa/Tarceva thì sẽ tiếp tục điều trị thế nào?
Xin chân thành cảm ơn bác sỹ.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

1. Bệnh tiến triển là do kháng thuốc, Iressa và Tareva có cùng cơ chế, kháng Tarceva cũng giống như kháng Iressa do vậy không phải là do đổi thuốc mà bệnh tiến triển
2. Nếu ở các nước có thuốc thay thế, Tagrisso thì người ta sẽ sinh thiết lại khối bướu hoặc thử máu để tìm đột biến T790M. Nếu có đột biến này thì bn sẽ chuyển sang dùng thuốc thế hệ 3 là Tagrisso.
3. Hiện ở VN chưa có thuốc này nên trường hợp của mẹ bạn sẽ được chọn lựa 2 cách:
- Vẫn tiếp tục Iressa
- Chuyển sang hoá trị
Cách 2 có vẻ hợp lý hơn vị mẹ của bạn tiến triển toàn thân