Saturday, September 24, 2016

Ung Thư Phổi



 Bài viết của BS Nguyễn Tuấn Khôi đã đăng báo Thuốc và Sức Khoẻ ngày 15/9/2016 bút danh BS Nguyên Duy
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong nhiều nhất trong số hơn 100 loại ung thư.
Mỗi người có 2 phổi nằm ở trong lồng ngực. Nhiệm vụ của phổi là đem ô xy từ không khí vào cơ thể khi hít vào và thải khí cac bô nic ra khỏi cơ thể khi thở ra. Không khí được đem vào phổi qua đường ống dẫn khí gọi là phế quản. Phế quản gốc phải và phế quản gốc trái tiếp nhận khí từ khí quản để đưa vào hai phổi bằng cách phân nhánh thành những phế quản nhỏ hơn.(H 1)




















Người ta còn gọi ung thư phổi là ung thư phế quản vì ung thư phổi bắt đầu từ những tế bào biểu mô của lòng phế quản. Do vậy, để chẩn đoán chắc chắn (y khoa gọi là chẩn đoán xác định) ung thư phổi người ta phải dùng phương pháp nội soi phế quản, đưa ống soi nhỏ, mềm dẻo, qua mũi hoặc miệng, đi qua khí quản tới phế quản gốc rồi theo đó đến vị trí có bướu để cắt một mảnh bướu đem thử nghiệm, y khoa gọi hành động này là sinh thiết (H2). 

Sau khi sinh thiết, mảnh bướu được gởi về phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Tại đây, bác sĩ sẽ cắt khối bướu thành lát mỏng, nhuộm màu và trải lên mảnh kính nhỏ để quan sát các tế bào bướu bằng kính hiển vi. Dựa trên hình ảnh quan sát qua kính hiển vi, người ta chia ung thư phổi làm hai loại: ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm phần lớn (85%), ung thư phổi tế bào nhỏ hiếm gặp, chỉ chiếm 15%. Ung thư phổi tế bào nhỏ có diễn tiến rất nhanh, cho di căn xa rất sớm nên tiên lượng rất xấu.

Diễn tiến của ung thư phổi

Khối u ung thư phổi lớn nhanh, di căn đến các hạch quanh phổi, di căn đến các cơ quan khác.

Khối u ung thư phổi tăng kích thước rất nhanh

Khối u ung thư phổi gồm những tế bào ung thư, các tế bào này sinh sản rất nhanh bằng cách tự phân đôi nên một tế bào sẽ tạo thành hai tế bào. Do vậy khối u ung thư phổi sẽ lớn lên rất nhanh. Khối u lớn sẽ chèn ép lên vùng phổi bình thường gây ho, khó thở, đau ngực. Có khi khối u ung thư phổi chèn ép lên vùng lân cận gây nên triệu chứng của cơ quan khác.

Ung thư phổi di căn đến hạch quanh phổi:

Các tế bào của khối u ung thư phổi có thể xâm nhập vào mạch bạch huyết để di căn đến các hạch quanh phổi như hạch trung thất, hạch trên đòn.

Ung thư phổi hay di căn xa đến não, gan, xương

Các tế bào của khối u ung thư phổi có thể xâm nhập vào  mạch máu rồi theo dòng máu đi khắp nơi trong cơ thể, gặp cơ quan thích hợp, các tế bào này sẽ dừng lại và sinh sôi nảy nở để tạo khối u di căn : phổi đối bên, gan, xương, não.

Triệu chứng của ung thư phổi


Tùy theo kích thước của bướu (lớn hay nhỏ), vị trí của bướu (nằm ở cuống phổi hay nằm ở sát thành ngực) và diễn tiến của bệnh (có di căn đến cơ quan khác hay không) mà triệu chứng sẽ khác nhau giữa người này với người kia.

Triệu chứng tuỳ theo kích thước bướu:

Khi bướu còn nhỏ, 1-2cm, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì. Những bệnh nhân này được phát hiện tình cờ bằng cách chụp X quang phổi khi khám sức khỏe định kỳ hay đang điều trị bệnh khác.
Khi bướu lớn hơn sẽ chiếm một thể tích lớn trong phổi nên sẽ gây nên triệu chứng: ho, đau ngực, khó thở.

Triệu chứng tuỳ theo vị trí bướu

Bướu nằm ở các phế quản gốc:

Phế quản gốc là đường ống dẫn khí chính nên chỉ cần một khối bướu rất nhỏ cũng làm cho bệnh nhân khó thở nhiều. Có khi bướu chảy máu khiến bệnh nhân ho ra máu.

Bướu nằm ở sát thành ngực:

Bướu ở vị trí này không làm cho bệnh nhân khó thở nhưng có thể rất đau vì xâm lấn thần kinh liên sườn.

Bướu nằm sát các mạch máu lớn

Có khi bướu chèn ép tĩnh mạch chủ trên làm cho máu bị ứ trệ khiến mặt và cổ bị phù và bệnh nhân rất khó thở.

Bướu ở đỉnh phổi:

Bướu ở đỉnh phổi thường phát triển lên vùng cổ chèn ép các dây thần kinh ở vùng cổ. Bệnh nhân sẽ đau vùng vai, lan dọc cánh taykèm theo các triệu chứng thần kinh khác: sụp mi mắt, giảm tiết mồ hôi nửa mặt. Y khoa gọi toàn bộ các triệu chứng này là hội chứng Horner. Và bướu ở vị trí này là bướu Pancoast.

Triệu chứng của cơ quan di căn

Ung thư phổi có thể di căn đến màng phổi làm màng phổi tiết dịch, dịch có thể 1-2 lít bao bọc phổi làm cho bệnh nhân rất khó thở, bác sĩ phải dùng kim chọc vào lồng ngực để dịch thoát ra, giảm áp lực trong lồng ngực, bệnh nhân dễ thở hơn.
Ung thư phổi di căn đến gan làm bệnh nhân đau ở bờ sườn bên phải.
Ung thư phổi có thể di căn xương làm bệnh nhân đau xương
Ung thư phổi có thể di căn não làm cho bệnh nhân nhức đầu, ói mửa, yếu nửa người, có khi hôn mê.

Triệu chứng toàn thân

Ngoài triệu chứng trực tiếp gây ra do khối bướu hoặc di căn cơ quan khác, ung thư phổi còn có biểu hiện toàn thân như: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.

Chẩn đoán ung thư phổi

Khi bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi nói trên, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm các xét nghiệm để chẩn đoán.

X quang phổi

Do khối u cản tia X nhiều hơn vùng phổi bình thường nên hình ảnh khối u sẽ được nhìn thấy trên phim X quang dưới dạng một vùng trắng, tròn, bờ hơi gồ ghề. Tuy nhiên nếu khối u quá nhỏ hoặ khối u bị xương sườn, tim che khuất thì sẽ không thấy được trên phim X quang nên để đánh giá chính xác hơn thì phải chụp phim CT scan hoặc MRI.

CT scan ngực

Hình ảnh của toàn bộ lồng ngực sẽ được cắt ngang, cắt dọc thành từng lát cách nhau vài milimet do đó những khối u, khối hạch có kích thước vài milimet cũng sẽ được phát hiện. CT ngực cũng cắt lát qua gan để phát hiện có di căn gan hay không.

MRI não

Cũng giống như CT scan, MRI là phương pháp chụp cắt lớp, nghĩa là hình ảnh của não sẽ được cắt thành từng lát cách nhau vài milimet để phát hiện di căn não.

Xạ hình xương

Ung thư phổi hay di căn xương. Để phát hiện di căn xương người ta dùng phương pháp xạ hình xương. Chất phóng xạ technetium 99 được tiêm vào mạch máu của bệnh nhân, vùng xương bị di căn bắt chất này nhiều hơn vùng xương bình thường nên khi chụp hình toàn bộ xương sẽ thấy được những chỗ di căn xương.
X quang phổi, CT ngực, MRI não, xạ hình xương đều là những biện pháp chẩn đoán hình ảnh. Hình ảnh của khối u, khối hạch hoặc chỗ di căn được thấy gián tiếp qua các phim chụp. Do vậy không thể khẳng định chắc chắn là ung thư bằng các phương tiện này mà phải quan sát trực tiếp các khối này, cắt một mảnh (sinh thiết) rồi gởi về phòng xét nghiệm Giải phẫu bệnh để tìm tế bào ung thư. Soi phế quản, tiểu phẫu sinh thiết khối di căn, sinh thiết khối bướu bằng kim xuyên thành ngực là những phương pháp giúp chẩn đoán xác định ung thư phổi

Soi phế quản

Như đã mô tả ở phần đầu của bài này, phương pháp này sẽ đưa ống nội soi vào phổi qua đường mũi hoặc đường miệng. Tuy nhiên phương pháp này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bệnh nhân quá yếu, quá già, đang khó thở thì việc đưa ống nội soi vào phổi là một việc làm nguy hiểm.
Có khi soi phế quản cũng không thấy bướu vì bướu nằm sát thành ngực, ống nội soi chỉ luồn vào được những phế quản lớn hoặc trung bình  trong khi những khối bướu nằm sát thành ngực xuất phát từ những phế quản rất nhỏ.
Trong trường hợp nói trên, bác sĩ thường thực hiện phương pháp sinh thiết bằng kim xuyên thành ngực.

Sinh thiết bướu phổi bằng kim xuyên thành ngực

Sau khi biết được vị trí của khối bướu phổi nhờ CT, bác sĩ sẽ dùng kim đâm xuyên qua thành ngực vào đúng vị trí phỏng đoán có bướu rồi hút một phần khối bướu để đem xét nghiệm tế bào.
Cũng có khi bác sĩ không dựa vào CT để định vị khối bướu mà dựa vào siêu âm. Đầu dò siêu âm sẽ rà trên lồng ngực để tìm vị trí khối bướu để từ đó có thể xuyên kim qua thành ngực. Lúc này, đầu dò siêu âm có thể thấy được khối bướu và đầu kim nên có thể hướng dẫn đầu kim đến khối bướu rất chính xác.
Như vậy khi có triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi, bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để có thấy được khối u hoặc khối di căn. Sau đó khối u này sẽ được sinh thiết để gởi về phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để tìm tế bào ung thư.

Triệu chứng nghi ngờ ung thư

Nên cảnh giác với các triệu chứng sau đây để kịp thời đi khám bác sĩ:
1. Ho kéo dài hơn 3 tuần
2. Đau vùng lồng ngực phía trước hoặc phía sau
3. Ho ra máu
4. Khó thở
5. Chán ăn, sụt cân trên1 tháng
6. Có hạch ở trên xương đòn

Điều trị ung thư phổi

Có ba phương pháp chính để điều trị ung thư phổi là phẫu thuật, xạ trị, nội khoa (điều trị bằng thuốc).

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường được thực hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2). Phẫu thuật ung thư phổi là một phẫu thuật lớn và nguy hiểm. Một đường rạch da ở sát các cung sườn dài hơn hai gang tay để bác sĩ có thể nhìn thấy toàn bộ một bên phổi. Tuỳ theo độ lớn của bướu, một phần hoặc toàn bộ một bên phổi có bướu sẽ được cắt bỏ. Sau mổ có thể hoá trị hỗ trợ.

Xạ trị

Ở giai đoạn trung gian (giai đoạn 3), bướu khá lớn hoặc có di căn hạch nhưng chưa di căn xa đến các cơ quan khác, không thể phẫu thuật tận gốc được nên xạ trị được sử dụng. Xạ trị tức là dùng một máy chiếu tia phóng xạ, tia này có khả năng làm tan rã khối bướu. Trong lúc xạ trị, người ta có thể phối hợp với hoá trị để hiệu quả tốt hơn.

Nội khoa

Điều trị nội khoa hay còn gọi là điều trị bằng thuốc được sử dụng ở giai đoạn trễ (giai đoạn 3-4).
Cách đây hơn 10 năm, nói đến điều trị nội khoa ung thư phổi là nói đến hoá trị. Những năm gần đây đã xuất hiện hàng loạt các thuốc với cơ chế khác nhau có thể tiêu diệt ung thư phổi

Hoá trị

Các tế bào ung thư sinh sản rất nhanh bằng cách phân đôi tế bào, y khoa gọi là nguyên phân. Các thuốc hoá trị ngăn cản tế bào phân chia nên có thể đẩy lui sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, một số loại tế bào bình thường trong cơ thể cũng phân chia rất nhanh nên thuốc hoá trị cũng gây hại các tế bào này gây nên các tác dụng phụ như giảm bạch cầu khiến nhiễm trùng; giảm tiểu cầu khiến bệnh nhân dễ chảy máu; tóc rụng…
Người ta tiếp tục tìm kiếm sự khác biệt của tế bào ung thư so với tế bào bình thường để từ đó có thể tác động lên tế bào ung thư mà không gây hại đến tấ bào bình thường. Thuốc nhắm trúng đích là loại thuốc đạt được mục tiêu này.

Thuốc nhắm trúng đích

Một số tế bào ung thư phổi có mang trên màng tế bào một loại thụ thể bị đột biến gọi tắt là EGFR. Khi EGFR bị đột biến sẽ làm cho tế bào ung thư phân chia nhanh hơn, hay di căn… Các thuốc TKI như Tarceva, Iressa là những loại thuốc có thể ngăn cản hoạt động của EGFR nên làm cho tế bào ung thư ngừng phát triển.

Thuốc chống sinh mạch

Các thuốc này cản trở sự hình thành mạch máu quanh khối bướu. Không có mạch máu, khối bướu sẽ không được nuôi dưỡng sẽ nhỏ dần. Avastin, Cyramza là những thuốc chống sinh mạch được dùng đồng thời với hoá trị để làm tăng hiệu quả của hoá trị

Điều trị miễn dịch

Gần đây người ta đã phát hiện ra lý do tại sao hệ thống miễn dịch của cơ thể (các bạch cầu) có thể chống lại các yếu tố lạ như vi trùng, siêu vi nhưng lại không thể tấn công các tế bào ung thư. Một số tế bào ung thư có yếu  tố PD-L1, yếu tố này gắn kết lên bạch cầu tại vị trí PD-1 trên màng bạch cầu. Khi mối liên kết PD-L1 và PD-1 xảy ra thì bạch cầu trở nên “hiền” hơn, không thể tấn công tế bào ung thư vì không thể nhận biết tế bào ung thư là vật lạ. Như vậy nếu có cách nào ngăn cản mối liên kết PD-L1 và PD-1 thì sẽ làm cho tế bào bạch cầu trở nên năng động hơn, có thể tấn công tế bào ung thư. Nivolumab, pembrolizumab là hai thuốc làm được điều này. Hai thuốc này đã được công nhận để điều trị ung thư phổi từ năm 2015.

Làm thế nào để không mắc phải bệnh ung thư phổi ?

Đó là câu hỏi mà chúng tô thường xuyên nghe từ các bệnh nhân ung thư phổi. Đáng tiếc rằng họ đã hỏi quá muộn. Nếu như trước kia họ biết được câu trả lời có thể họ đã không bị bệnh như bây giờ.

Tầm soát ung thư phổi

Phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng. Trong mấy chục năm qua, trên thế giới đã có vài cuộc thử nghiệm đánh giá hiệu quả của việc dung X quang hay CT scan phổi theo định kỳ mỗi năm một hoặc hai lần để tìm ung thư ở giai đoạn sớm. Các cuộc thử nghiệm này đều tập trung vào những người có nguy cơ cao là hút thuốc lá nhiều điếu trong ngày và diễn ra trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiệu quả tìm kiếm ung thư phổi giai đoạn sớm để chữa khỏi từ các thử nghiệm tầm soát này là có nhưng chưa nhiều để bù đắp vào chi phí bỏ ra của toàn xã hội nên hiện chưa có khuyến cáo tầm soát định kỳ để phát hiện ung thư phổi.

Nói không với thuốc lá

Khi chương trình tầm soát ung thư phổi không hiệu quả thì việc nói không với thuốc lá trở nên vũ khí quan trọng để chặn đứng bệnh ung thư phổi
Hơn 80% ung thư phổi có liên quan đến hút thuốc. Hay nói ngược lại, số lượng bệnh nhân mắc ung thư phổi sẽ giảm 80% nếu như mọi người không hút thuốc.






4 comments:

Chíp said...

Thưa bác sĩ, chồng em bị ung thư phổi, mới phát hiện di căn não được 3 tháng.
Điều trị nốt di căn não ở Việt Nam hiện nay có loại nào mới nhất và hiệu quả nhất ạ?
Em có nghe nói là gamma knife hoặc là cyberknife.
Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về các bệnh viện có các công nghệ phẫu thuật u não mới như vậy được không ạ?
Xin chân thành cám ơn bác sĩ.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

BV Chợ Rẫy ở Sài Gòn, BV Bạch Mai ở Hà Nội là 2 nơi có máy này. Xin nói cho bạn rõ đây là phương pháp xạ trị chứ không phải phẫu thuật. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên trang này, bài http://nguyentuankhoi.blogspot.com/2014/11/xa-tri-la-gi.html

Anonymous said...

Chào Bác sĩ!!chồng tôi bị ung thư phổi gđ iv tiến triển chưa di căn xa ALK(-),PDL-1(0%),EGFR không đột biến.Hiện tại vừa hoá trị đợt đầu với phác đồ PEME-CAR 3 chu kỳ,xin Bác sĩ tư vấn thêm vì chồng tôi muốn điều trị sau khi hoá trị bằng thuốc uống ạ.Cám ơn Bác sĩ!!

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Vì ALK (-) VÀ EGFR (-) nên chồng của chị không cần phải uống thuốc sau hoá trị. Nếu chồng của chị đã điều trị với phác đồ gồm 2 thuốc PEM và CAR thì sau 6 đợt, nếu có đáp ứng với điều trị thì nên duy trì thêm nhiều đợt nữa với thuốc PEM.