Friday, July 14, 2017

Ung Thư Máu Ở Trẻ Em





BS Nguyễn Tuấn Khôi, đã đăng Báo Thuốc và sức Khoẻ Tháng 6/2017 bút danh BS Nguyên Duy

Bệnh ung thư máu có nhiều tên gọi khác nhau: bệnh bạch cầu, ung thư bạch cầu. Hồi tôi học y khoa, các ông thầy học y khoa thời Pháp thường gọi bệnh này là lơ xê mi theo tiếng Pháp là leucémie. Nay cũng còn nhiều bác sĩ dùng từ này. Ung thư máu gây ra do các tế bào bạch cầu hoá thành tế bào ung thư. Trong máu có 3 loại tế bào: bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu. Hồng cầu, tiểu cầu rất ít khi nào hoá thành tế bào ung thư nên khi nói ung thư máu là nói đến ung thư bạch cầu. 

Ung thư máu nhưng khởi phát bệnh lại từ xương (H2)

Tuỷ xương là nơi tạo ra các tế bào máu. Bình thường, việc tạo máu diễn ra như sau: các tế bào gốc tạo máu sẽ  tạo ra các tế bào máu, các tế bào mới sinh ra được đưa vào dòng máu để thay thế cho các tế bào cũ đã già và chết đi. Khi một số tế bào tạo máu trong tuỷ xương hoá thành ung thư, chúng sẽ gia tăng số lượng rất nhanh chóng, các tế bào bạch cầu ung thư bị tràn ngập trong tuỷ xương và cũng tràn ngập trong máu.

Triệu chứng của bệnh ung thư máu

Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư máu là sốt, vết bầm da, da xanh, mệt mỏi.

Sự gia tăng số lượng tế bào bạch cầu ung thư trong tuỷ xương khiến sự tạo máu từ tuỷ xương bị giảm vì vậy số lượng bạch cầu bình thường, tiểu cầu, hồng cầu trong máu sẽ giảm.

Bạch cầu có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng. Thiếu bạch cầu cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng. Sốt là do nhiễm trùng.

Tiểu cầu giúp cầm máu. Giảm tiểu cầu khiến cơ thể khó cầm máu nên hay bị chảy máu dưới da khiến tạo thành những mảng bầm.

Hồng cầu giúp vận chuyển ô xy cho cơ thể. Thiếu hồng cầu làm da xanh xao và mệt mỏi.

Chẩn đoán bệnh ung thư máu

Khi có một hoặc nhiều triệu chứng kể trên, bệnh nhân sẽ đến bệnh viện để khám. Bác sĩ sẽ lần lượt khám bệnh rồi cho các xét nghiệm sau để chẩn đoán.

Khám bệnh

Bác sĩ sẽ phát hiện các dấu hiệu sau

-  Da xanh, niêm nhợt. Dấu hiệu này là do thiếu máu tức là số lượng hồng cầu giảm.

- Các vết bầm ở da, có khi là những chấm xuất huyết hoặc chảy máu mũi.

- Nhiễm trùng các cơ quan: viêm phổi, viêm họng…

- Gan to, lách to, hạch to do các tế bào bạch cầu ung thư xâm nhiễm vào các cơ quan này.

- U ở các xương  hoặc đau nhức xương do các tế bào bạch cầu ung thư tràn ngập trong tuỷ xương.

Xét nghiệm

- Công thức máu

Máu sẽ được lấy từ tĩnh mạch để đưa về phòng xét nghiệm. Kết quả sẽ có trong vài giờ. Số lượng hồng cầu, tiểu  cầu giảm. Số lượng bạch cầu tăng do các tế bào bạch cầu ung thư từ tuỷ xương được phóng thích vào máu. Tuy nhiên, máy kiểm tra công thức máu không thể phân biệt bạch cầu bình thường và tế bào ung thư cho nên bác sĩ sẽ cho làm thêm xét nghiệm tuỷ đồ.

- Tuỷ đồ (H3)


Dùng một kim đặc biệt có lõi to chọc vào xương chậu để lấy ra một mảnh tuỷ xương. Mảnh tuỷ xương này có chứa các tế bào máu, phòng xét nghiệm sẽ dùng kính hiển vi quan sát để tìm các tế bào bạch cầu ung thư.

Không chỉ quan sát dưới kính hiển vi, bệnh phẩm tuỷ xương này còn được làm nhiều xét nghiệm sinh hoá, miễn dịch, di truyền để xác định loại bạch cầu bị ung thư, các biến đổi nhiễm sắc thể có lien quan.

Dựa trên loại bạch cầu bị ung thư mà người ta phân chia hai loại ung thư máu: ung thư máu dòng tế bào tuỷ và ung thư máu dòng tế bào lim phô. Ung thư màu dòng lim phô lại bao gồm 2 loại: lim phô B và lim phô T.

 Tuỷ đồ là phương pháp để xác định chắc chắn bị ung thư máu. Sau đã xác định chắc chắn bệnh nhân bị ung thư máu, bác sĩ còn phải làm thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán mức độ lan rộng của bệnh.

- Chọc dịch não tuỷ 


Để xác định tế bào bạch cầu ung thư có xâm nhiễm vào não hay tuỷ sống hay không người ta phải dùng phương pháp chọc dò tuỷ sống. Bệnh nhân phải nằm nghiêng và co mình lại sao cho khe giữa hai đốt sống giãn rộng ra. Bác sĩ sẽ dùng một kim dài xuyên qua khe gian đốt sống để rút dịch não tuỷ. Dịch này được gởi về phòng xét nghiệm để tìm tế bào bạch cầu bị ung thư.  

Điều trị

Ung thư máu được điều trị bằng hoá trị, hoá trị có ghép tuỷ, thuốc nhắm trúng đích, xạ trị.

Hoá trị

Các tế bào bạch cầu ung thư gia tăng số lượng rất nhanh bằng cách tự phân đôi thành hai tế bào, y khoa gọi là phân bào. Các thuốc hoá trị cản trở phân bào của các tế bào nên có thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phân bào của các tế bào ung thư. Trong bệnh ung thư máu người ta thường kết hợp nhiều loại thuốc hoá trị ung thư. Hoá trị chia làm 3 giai đoạn: tấn công, củng cố và duy trì.

Giai đoạn tấn công: thuốc được cho với liều cao, sau 4 tuần hầu hết các bệnh nhân đều đạt mức độ đáp ứng hoàn toàn tức là các tế bào bạch cầu bị ung thư bị tiêu diệt gần hết. Các thuốc được dùng trong giai đoạn này là  vincristine, prednisone hoặc dexamethasone, L-asparaginas.

Giai đoạn củng cố và duy trì: Thường dùng các thuốc methotrexate, cyclophosphamide, cytarabine, mercaptopurine. Một số trường hợp có thể dùng methotrexate bơm vào tuỷ sống để tiêu diệt các tế bào ung thư trong não và tuỷ sống.

Hoá trị có ghép tuỷ

Ung thư máu là loại ung thư rất nhạy với hoá trị. Liều thuốc càng cao thì số lượng tế bào ung thư bị tiêu diệt càng nhiều. Tuy nhiên nếu nâng liều lên cao quá thì các tế bào máu gốc trong tuỷ xương sẽ bị tiêu diệt khiến suy tuỷ: giảm tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu. Để có thể hoá trị liều cao mà không bị suy tuỷ người ta dúng phương pháp ghép tuỷ. Có 2 cách ghép tuỷ: tự thân và dị thân.

Ghép tế bào máu gốc tự thân:

Trước khi hóa trị người ta sẽ lấy máu bệnh nhân, lọc ra những tế bào gốc sau khi dùng các thuốc kích thích tủy xương tạo thêm nhiều tế bào máu gốc (tế bào máu gốc đa  số ở trong tủy xương nhưng cũng có một số ở trong dòng máu). Các tế bào máu gốc này được lưu trữ chờ để khi hóa trị xong sẽ được truyền trả lại cho bệnh nhân để chúng thực hiện việc tạo ra những tế bào máu mới. Nhờ lấy các tế bào máu gốc ra khỏi cơ nên tế bào máu gốc này tránh được hóa trị nhờ đó  bác sĩ có thể thực hiện hóa trị liều cao hơn bình thường mà không lo sợ hóa trị sẽ làm hại đến các tế bào này. Tuy vậy hóa trị với liều cao là một việc làm hết sức nguy hiểm vì bệnh nhân sẽ sống trong giai đoạn không có bạch cầu trong máu khoảng 1 tuần với nguy cơ nhiễm trùng rất cao; giai đoạn này bệnh nhân phải nằm trong phòng cách ly, vô trùng tuyệt đối và dùng các kháng sinh phòng ngừa.

Ghép tế bào máu gốc dị thân

Tương tự như ghép tế bào máu gốc tự thân nhưng điểm khác nhau là tế bào máu gốc được đưa vào cơ thể của bệnh nhân là từ một người khác tình nguyện cho.

Thuốc nhắm trúng đích

Các thuốc này chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến tế bào bình thường như hoá trị.

Thuốc imatinib  mesylate làm tăng hiệu quả hoá trị ở những bệnh nhân ung thư máu có nhiễm sắc thể Philadelphia.

Xạ trị

Các thuốc hoá trị khó qua được hàng rào mạch máu não nên xạ trị vào não thường được sử dụng để bù đắp cho khiếm khuyết của hoá trị.

Máy xạ trị phát ra tia phóng xạ. Tia phóng xạ phá huỷ DNA của các tế bào ung thư.

Có nhiều loại ung thư máu

Dựa trên diễn tiến của bệnh người ta chia ung thư bạch cầu làm 2 loại: ung thư bạch cầu cấp và ung thư bạch cầu mãn.

Ung thư bạch cầu cấp: Bệnh diễn tiến nhanh đưa đến nguy cấp nếu không điều trị kịp thời.

Ung thư bạch cầu tuỷ mãn: Bệnh diễn tiến chậm

Dựa trên loại bạch cầu bị ung thư người ta chia làm các loại: bệnh bạch cầu dòng lim phô, bệnh bạch cầu dòng lim phô và các loại bệnh bạch cầu khác hiếm gặp.

Vì sao bị ung thư máu?

Các yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh nhân dễ bị ung thư bạch cầu.

- Bà mẹ lúc mang thai có chụp X quang hoặc sống trong vùng ô nhiễm phóng xạ, con sanh ra dễ bị.

- Trẻ đã từng hoá trị do bị ung thư khác

- Trẻ sống trong môi trường có phóng xạ.

- Trẻ có mang gen dễ bị ung thư máu trong các bệnh: hội chứng Down, thiếu máu Fanconi…

Ung thư máu nguy hiểm như thế nào?

Ung thư bạch cầu lim phô cấp nếu không điều trị sẽ tử vong trong vài tháng. Tuy nhiên nhờ tiến bộ của y khoa với phương pháp hoá trị kèm theo ghép tuỷ, hoá trị kết hợp với nhắm trúng đích và cũng do bệnh này rất nhạy với hoá trị nên phần lớn trường hợp đều được chữa khỏi.








1 comment:

Anonymous said...

Chào bác sĩ,

Em có 1 câu hỏi về ung thư mạch máu. Bệnh này sẽ không ảnh hưởng tới tế bào bạch cầu dòng tủy và lymphoid phải không ạ? Vậy đối với phương pháp điều trị, ngoài hóa trị có thể áp dụng phương pháp miễn dịch không? Phương pháp tách lấy tế bào dendritic cell chưa trưởng thành cho phản ứng với kháng nguyên tế bào u mạch để tế bào dendritic được kích hoạt. Sau đó sẽ đưa tế bào dendritic này vào cơ thể bệnh nhân như 1 liều "vaccine", giúp kích thích cơ thể sản sinh kháng thể chống lại tế bào ung thư? Sau khi đưa "vaccine" vào cơ thể, có thể dùng thêm phương pháp tiêm vitamin C liều cao vào tĩnh mạch để kích thích hệ miễn dịch hoạt động? Bác sĩ cho ý kiến về tính khả thi giúp em nhé. Tất nhiên đây là trên lý thuyết... Em cám ơn bác sĩ.