Saturday, September 30, 2017

Ung Thư Gan



(BS Nguyễn Tuấn Khôi, đã đăng báo Thuốc và Sức Khoẻ, bút danh BS Nguyên Duy)
 
Ung thư gan cùng với ung thư phổi là hai loại ung thư thường gặp nhất ở Việt Nam. Gan là một cơ quan lớn nhất trong cơ thể. Nằm mạn sườn phải, trong bụng, gan giúp cơ thể thải những chất độc từ máu, tạo ra mật để tiêu hoá thức ăn, dự trữ đường cho cơ thể.(H1)
Có hai loại ung thư gan: ung thư tế bào gan và ung thư của các ống dẫn mật trong gan. Ung thư tế bào gan thường gặp hơn ung thư ống dẫn mật trong gan, bài này sẽ  bàn về ung thư tế bào gan.

1. Triệu chứng
Khối u gan lớn rất nhanh làm căng bao gan gây đau ở vùng bờ sườn bên phải.
Có khi u gan không gây đau, bệnh nhân biết được mình bị bệnh do sờ thấy một khối u ở bờ sườn phải.  
Ung thư gan thường gây triệu chứng toàn thân như: chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, buồn ói, ói, đầy bụng, vàng da, vàng mắt.
Các tế bào ung thư  gan có thể xâm nhập vào mạch bạch huyết hoặc mạch máu để đi đến các cơ quan khác gọi là di căn. TD: ung thư gan di căn đến phổi.
Như vậy, ngoài những triệu chứng khiến chúng ta nghĩ đến ung thư gan như: đau bờ sườn bên phải, sờ thấy khối u ở vùng bờ sườn phải, vàng da, vàng mắt còn có những triệu chứng khác lại rất “chung chung” như chán ăn, sụt cân, mệt mỏi…
2. Chẩn đoán
Khi nghi ngờ bệnh nhân bị ung thư gan, bác sĩ sẽ  thực hiện các biện pháp sau để làm rõ chẩn đoán.
Siêu âm bụng:
Dùng máy phát ra sóng âm thanh có tần số cao, sóng âm này va chạm với các cơ quan trong cơ thể và bị dội lại. Khi sóng âm bị dội lại, máy này sẽ đón nhận và chuyển đổi thành hình ảnh. Vì âm thanh dội từ khối u gan và vùng gan bình thường có tần số khác nhau nên siêu âm có thể biết được gan có khối u hay không, kích thước bao nhiêu. (H2)

Chụp CT scan
Dùng máy phát tia X chiếu xuyên thấu qua cơ thể dưới nhiều góc cạnh khác nhau rồi ghi lại thành hình ảnh cắt lớp cơ thể. Bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang nên hình ảnh mạch máu sẽ hiện rõ trên hình chụp. Các khối u ung thư thường có nhiều mạch máu nuôi nên sẽ hiện lên rất rõ khi được chụp CT có tiêm thuốc cản quang.
Chụp MRI
Giống như CT scan, MRI cũng tạo được hình ảnh cắt lớp cơ thể và cũng dùng chất cản tia bơm vào mạch máu để làm rõ khối u. Hình ảnh do MRI tạo ra rõ nét hơn CT scan và MRI sử dụng từ trường chứ không phải tia X nên không gây hại cho bệnh nhân.
Siêu âm, CT, MRI co thấy hình ảnh khối u và phần nào gợi ý u lành hay u ác chư không thể khẳng định chắc chắn. Sinh thiết khối u gan mới là biện pháp quan trọng nhất để chẩn đoán chắc chắn ung thư gan. Có 3 cách sinh thiết u gan: sinh thiết bằng kim nhỏ, sinh thiết bằng kim lõi to, sinh thiết bằng phẫu thuật nội soi.
Sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) (H3)
Dùng kim nhỏ chọc xuyên qua da đến khối u gan rồi rút ra một ít tế bào của khối u gan.
Sinh thiết bằng kim lõi to
Kim lõi to có thể hút được một mảnh bướu 

Sinh thiết bằng phẫu thuật nội soi
Rạch trên bụng một vết mổ nhỏ rồi luồn ống nội soi vào. Đầu ống nội soi có đèn và camera giúp quan sát được khối u qua màn hình. Qua ống nội soi có thể luồn dụng cụ để cắt một mảnh bướu.
Sau khi sinh thiết, mảnh bướu sinh thiết sẽ được gởi về phòng xét nghiệm để tìm tế bào ung thư bằng cách quan sát dưới kính hiển vi.
Tuy nhiên sinh thiết khối u gan không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trong những trường hợp không thể sinh thiết được chẩn đoán ung thư gan phải dựa trên nhiều yếu tố kết hợp: siêu âm, CT scan hoặc MRI, thử máu tìm chất AFP, thử máu xác định nhiễm siêu vi gây viêm gan B và C.
Diễn tiến
Khối u ung thư gan tăng kích thước dần và xâm lấn các cơ quan kế cận như túi mật, đại tràng hoặc gieo rắc ổ bụng gây tiết dịch trong bụng khiến bụng to lên dần.
Các tế bào ung thư có thể xâm nhập mạch máu hoặc mạch bạch huyết để di căn đến hạch hoặc các cơ quan khác.
Điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan. Việc lựa chọn phương pháp nào là tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, chức năng của gan còn tốt hay không, tình trạng xơ gan kèm theo, thể trạng của bệnh nhân.
Phẫu thuật
Ung thư gan giai đoạn sớm có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật. Phẫu thuật triệt để của ung thư gan phải lấy đi cả thuỳ gan mang khối bướu, có khi phải ghép gan nếu phần lớn gan đã cắt đi.
Việc ghép gan không phải luôn luôn thực hiện được vì phải có gan của người cho phù hợp với người bị ung thư gan. Khoảng 70% bệnh nhân ung thư gan sống hơn 5 năm nhờ phẫu thuật và ghép gan.
Phá huỷ tận gốc khối u
Phương pháp này được sử dụng cho giai đoạn sớm
- Dùng sóng tần số cao (radiofrequency ablation [RFA]) làm cho khối u nóng lên và phân huỷ. Phương pháp RFA được dùng khi khối u nhỏ hơn 3cm, có khoảng 60% bệnh nhân sống hơn 5 năm nhờ điều trị bằng phương pháp này. Để thực hiện phương pháp này cần phải có một máy tạo sóng cao tần. Đầu phát sóng cao tần được chọc xuyên qua da, đến thẳng khối u gan. (H4)

- Dùng cồn đậm đặc tiêm thẳng vào khối u gan làm hoại tử.
Phương pháp TAE và TACE

TAE (Transarterial Embolization) Phương pháp này làm tắc nghẽn động mạch gan khiến cho máu không thể đến khối bướu được do vậy bướu sẽ bị hoại tử. Người ta đưa một ống thông nhỏ và mềm dẻo luồn từ động mạch vùng bẹn đưa ngược lên động mạch chủ rồi đưa vào động mạch gan. Khi đến động mạch gan, chất gây tắc nghẽn mạch sẽ được bơm vào. (H5)

TACE (Transcatheter Arterial Chemoembolization). Người ta cũng làm TAE nhưng  có bơm dầu và thuốc hoá trị như doxorubicin hoặc cisplatin để tấn công vào các tế bào ung thư  nên phương pháp này còn được gọi là TOCE (transcatheter oily chemoembolization).

 

Điều trị nhắm trúng đích

Nexavar (sorafenib) là một loại thuốc uống có tác dụng kéo dài thời gian sống không bệnh tiến triển của bệnh nhân thêm khoảng 3 tháng.

Xạ trị và hoá trị không có hiệu quả điều trị cho ung thư gan.

Tại sao bị ung thư gan

Viêm gan siêu vi B và C:

Viêm gan siêu vi B là nguyên nhân hàng đầu của ung thư gan ở châu Á và châu Âu. Người bị viêm gan siêu vi B sẽ dễ bị ung thư gan gấp 100 lần người không bị.

Xơ gan do uống rượu nhiều

Xơ gan do uống rượu nhiều dễ dẫn đến ung thư gan, đặc biệt nếu có them viêm gan siêu vi.

Nhiễm độc chất aflatoxin

Aflatoxin là tên gọi chung của nhiều  độc tố được sản xuất bởi một số loại nấm mốc, loại nấm mốc này thường sống trên các cây trồng như bắp, đậu phộng, hạt bông gòn... Tên của loại nấm mốc này là Aspergillus, chúng thường sống ở những vùng khí hậu nóng, ẩm trên thế giới như nước ta.

Chất aflatoxin do nấm Aspergillus sản xuất có thể gây ô nhiễm cho con người qua  cây trồng trên đồng ruộng, lúc thu hoạch, lúc chế biến và trong quá trình bảo quản.

Mọi người có thể được tiếp xúc với các độc tố aflatoxin do ăn phải sản phẩm thực vật bị ô nhiễm đậu phộng, ăn thịt hoặc các sản phẩm sữa từ những con vật đã ăn thức ăn bị ô nhiễm. Nông dân và công nhân nông nghiệp khác có thể tiếp xúc do hít phải bụi phát sinh trong quá trình xử lý và chế biến các loại cây trồng và thức ăn bị ô nhiễm.

Tiếp xúc với các độc tố aflatoxin có liên quan với tăng nguy cơ ung thư gan.

Tầm soát ung thư gan

Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư ở giai đoạn rất sớm, bệnh nhân lúc đó chưa hề có triệu chứng. Nếu phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, xác xuất chữa khỏi bệnh rất cao. Đã có nhiều thử nghiệm tầm soát ung thư gan bằng siêu âm, thử máu tìm chất AFB. Những thử nghiệm này cho thấy có cả những lợi ích lẫn mặt hại của nó. Lợi ích là có thể phát hiện ung thư gan ở giai đoạn sớm. Hại cho bệnh nhân là một khi phát hiện khối u bằng siêu âm, CT, MRI thì cũng chưa chắc đó là ung thư gan, có thể đó là khối lành tính như xơ gan do đó cần phải xác định chắc chắn ung thư bằng cách sinh thiết. Sinh thiết gan có thể làm cho bệnh nhân bị chảy máu, nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy mà hiện nay y khoa chưa có khuyến cáo tầm soát ung thư gan.

Phòng ngừa ung thư gan

Chích ngừa viêm gan siêu vi B và C

Các chương trình chích ngừa viêm gan siêu vi ngay từ lúc mới sinh ra đã làm cho tỉ lệ mắc bệnh ung thư gan ở nhiều nước giảm đáng kể.

Không uống rượu và tránh ăn thực phẩm có chứa độc chất aflatoxin

BS Nguyên Duy


 

 

 










2 comments:

Ha Thanh said...

Xin chào Bác sĩ, Bố em hiện bị chuẩn đoán ung thư gan giai đoạn cuối đã di căn, trước đây 2 năm khi phát hiện khối u trong gan đã sử dụng các biện pháp TACE, đốt sóng cao tần, sau đó chuyển sang dùng Sorefanib và khi thuốc này không còn hiệu quả thì bây giờ sử dụng thuốc truyền keytruda. Sau hai đợt trị liệu hiện nay vẫn chưa có kết quả rõ rệt ngoài việc giảm được các cơn sốt, tuy nhiên bụng vẫn phồng to ở mức vừa vừa chưa xuất hiện mao mạch và chân tay hay bị phù. Hiện nay, qua nghiên cứu thì em có thấy FDA phê chuẩn cho Opdivo (nivolumab) làm giải pháp trị liệu sau khi sorefanib không phát huy tác dụng. Em đọc qua thì Keytruda hay Opdivo cũng nhắm đến PD1 và PDL1, theo em đoán thì Keytruda chưa được chỉ định cho HCC do họ chưa có nghiên cưú riêng với các bệnh nhân HCC. Vậy bác sĩ cho em hỏi có nên thay đổi pháp đồ điều trị từ Keytruda sang Opdivo không, liệu Opdivo có thành phần nào đặc hiệu hơn Keytruda để tác dụng trực tiếp vào tế bào ung thư gan không (vì theo em tìm hiểu gan là nơi rất khó nhận thuốc gây ra khó khăn cho điều trị HCC)

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Trong y khoa hiện đại, các BS hay coi trọng y học chứng cớ. Tức là dùng thuốc nào cũng phải có bằng chứng xem thuốc này có dùng cho bao nhiêu bn rồi, hiệu quả ra sao. Có điều tôi ngạc nhiên là bố của bạn đã được dùng Keytruda chứ không phải là Nivolumab vì chứng cớ của Nivolumab đã rõ còn Keytruda thì chưa được chấp thuận,
Câu hỏi của bạn thật là khó xử cho tôi vì quả thật là nivolumab và keytruda (pembrolizumab) là hai thuốc có cơ chế giống hệt nhau (cùng ức chế PD-1). Theo suy luận thông thường thì không nên sử dụng thuốc thứ 2 cùng nhóm nếu như thuôc thứ nhất đã thất bại. Tuy nhiên cũng có lý luận khác l2 tuy có cùng cơ chế tác dụng nhưng có thể cơ chế kháng thuốc thì khác nhau vì vậy nếu kháng với Keytruda thì chưa chắc kháng với nivolumab nên nếu chuyển sang nivolumab thì cũng kh6ng thể xem là sai.
Thông tin mới nhận: Lenvatinib là thuốc dạng viên uống có hiệu quả sau khi kháng thuốc Nexava. Trường hợp này nếu chuyển sang Levatinib là hợp lý nhất