Saturday, February 14, 2015

CHỐNG SINH MẠCH ĐỂ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ

Tìm hiểu ung thư
(Bài đã đăng báo thuốc và sức khỏe số Xuân 2015 bút danh BS Nguyên Duy)

Khi một khối u ác tính (ung thư) hình thành thì xung quanh nó sẽ sinh ra một mạng lưới mạch máu dày đặc. Mạch máu này nuôi dưỡng khối u và đem tế bào ung thư đi khắp cơ thể (di căn). Loại thuốc có thể chống lại sự hình thành mạch máu quanh khối u từ đó làm cho khối u ngừng phát triển, nhỏ đi và giảm bớt nguy cơ di căn, loại thuốc này gọi là thuốc chống sinh mạch (angiogenesis inhibitor).

 
Sinh mạch là gì ?
Sinh mạch là tạo thêm  những mạch máu mới từ mạch máu cũ. Nơi xuất phát hiện tượng sinh mạch là tế bào nội mạc mạch máu.
Tế bào nội mạc mạch máu là gì ?
Mạch máu gồm đến 3 lớp. Tính từ ngoài vào trong gồm: lớp vỏ mạch máu, lớp cơ và trong cùng là lớp tế bào nội mạc mạch máu.  Khi cần sinh mạch máu mới các tế bào này tăng sinh số lượng, tách xa nhau để tạo khoảng hở để phân nhánh mạch máu giống như một cành cây lớn đâm ra nhiều nhánh cây nhỏ. (hình 1)




Các tế bào nội mạc mạch máu chỉ khởi phát hiện tượng sinh mạch khi bị kích thích. Một trong những yếu tố kích thích sinh mạch máu quan trọng là chất VEGF (vascular endothelial growth factor). Chất này được tiết ra bởi tế bào ung thư.
Chất VEGF tác động được lên tế bào nội mạc động mạch là vì tế bào này có một nơi tiếp nhận nằm ở màng tế bào gọi là thụ thể VEGFR (vascular endothelial growth factor receptor).
Như vậy có thể tóm tắt quá trinh sinh mạch trong ung thư như sau: tế bào ung thư tiết ra chất VEGF, chất này sẽ tác động lên tế bào nội mạc mạch máu qua thụ thể VEGFR làm tế bào này khởi phát hiện tượng sinh mạch.(hình 2)

Cơ chế các thuốc chống sinh mạch
Việc tạo ra các thuốc chống sinh mạch phải dựa trên cơ chế của sự sinh mạch do đó hai mục tiêu mà thuốc nhắm đến là VEGF và VGFR. (hình 3)
Các thuốc ức chế VEGF:
1.     Bevacizumab (Avastin): Thuốc này là một loại kháng thể đơn dòng chống lại VEGF vì nó xem VEGF như là một kháng nguyên (vật lạ). VEGF không hoạt động được tế bào nội mạc mạch máu không bị kích thích nên không sinh mạch được. Avastin được chỉ định điều trị trong các bệnh ung thư phổi, vú đại tràng.
2.       Afliberecept (Zaltrap): Thuốc này có cấu trúc hóa học gần giống với thụ thể VEGFR nên sẽ bị VEGF đến gắn kết. Vì vậy hầu hết VEGF do tế bào ung thư tiết ra đều bị thuốc này thu hút khiến thụ thể VEGFR không cò bị VEGF kích thích nên không có hiện tượng sinh mạch. Người ta gọi hiện tượng này là gài bẫy VEGF (VEGF trap). Thuốc được chỉ định điều trị ung thư đại tràng.
Các thuốc ức chế VEGFR:
VEGFR là thụ thể nằm trên màng tế bào nội mạc mạch máu. Gồm 3 loại VEGFR1, VEGFR2, VEGFR3, VEGFR2 là quan trọng nhất đối với hiện tương sinh mạch. Các thuốc đều tập trung vào việc chống lại thụ thể này.
Về cấu tạo, thụ thể gồm 2 phần, phần ngoài màng tế bào và phần nằm trong màng tế bào.
Các thuốc ức chế VEGFR2 ở ngoài màng tế bào
Ramucirumab (Cyramza): Thuốc này là một kháng thể đơn dòng, xem VEGFR2 như một vật lạ để tấn công vào đó. Khi VEGFR2 không hoạt động thì tế bào nội mạc mạch máu không thể khởi phát hiện tượng sinh mạch được. Thuốc đượ chỉ định trong ung thư dạ dày và ung thư phổi loại không tế bào nhỏ
Các thuốc ức chế VEGFR2 ở trong màng tế bào
Trong màng tế bào, thụ thể VEGFR2 có một vùng quan trong có gắn kết một chất gọi là tyrosinkinase. Các thuốc thuộc loại này đều ức chế hoạt động của tyrosinekinase này.
Sunitinib (Sutent) có chỉ định điều trị u mô đệm đường tiêu hóa, ung thư thận, ung thư tụy.
Sorafenib (Nexavar) có chỉ định điều trị ung thư thận, gan, tuyến giáp
Pazopanib (Votrient) có chỉ định điều trị ung thư thận, sarcoma mô mềm
Everolimus (Afinitor) có chỉ định điều trị ung thư thận, tụy, vú.


BS Nguyên Duy

6 comments:

Nguyễn Hữu Hòa said...

Liên hệ thực tế vấn đề "bỏ đói bướu" mà bệnh nhân hay lan truyền bằng cách nhịn ăn.
Bệnh nhân lý có mạch máu tăng nhưng không có chất dinh dưỡng do bỏ đói bướu sẽ không sống được thì bs sẽ giải thích như thế nào? BS Khôi viết thêm ý này. Thanks

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Bệnh nhân và thân nhân cũng hay hỏi tôi câu này, và tui cũng trả lời theo suy luận chứ chưa dựa theo chứng cớ khoa học vì thú thật là chưa có ý định tìm hiểu về vấn đề này. Cách trả lời của tôi cho bệnh nhân như sau:
- Bướu nó rất hung dữ và sống dai, mình nhịn ăn thì mình sẽ chết trước nó!
Hoặc:
- Bướu là kẻ thù của mình, nó thấy mình nhịn ăn rồi ốm yếu thì nó sẽ nhân cơ hội đó tấn công mình là dễ tiêu lắm.

Anonymous said...

Chào bác sỹ,
Cho tôi hỏi có thể bỏ đói tế bào ung thư bằng chế độ ăn uống ko? Cụ thể là ko ăn đường, thịt đỏ.
Cảm ơn bác sỹ

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Tôi chưa thấy nghiên cứu nào giống như vậy trong các hội thảo về ung thư mà tôi được biết. Tôi nghĩ về cơ sở khoa học thì ý tưởng trên không được vững vàng cho lắm. Tế bào bình thường và tế bào ung thư đều cần chất dinh dưỡng vì vậy nếu nhịn ăn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh rất nhiều. Thật là khó tin khi chỉ bằng nhịn ăn thì những tế bào ung thư sẽ ngừng phát triển. Tôi làm bác sĩ nhiều năm đã thấy nhiều bệnh nhân theo phương pháp nhịn ăn mà ảnh hưởng đến sức khoẻ rất nhiều. Thịt đỏ và đường có vai trò không quan trọng trong sự phát triển ung thư.

Unknown said...

Thưa bác sĩ, mẹ em bị UT Phổi GĐ IV ung thư biểu mô tuyến có đột biến gen tại exon 21, đang điều trị Iressa hơn 1 tháng nay. Em có đọc về Avastin chống tăng sinh mạch trong khi Iressa ức chế phát triển khối u, vậu em có nên cho mẹ em sử dụng phối hợp cả 2 không ạ? Để thời gian kháng thuốc được lâu hơn?

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Kết hợp Tarceva với Avastin cho kết quả tốt hơn Tarceva, kết quả này có được nhờ nghiên cứu đáng tin cậy. Châu Âu đã chấp thuận, FDA Mỹ thì chưa nhưng chắc sẽ chấp thuận trong thời gian gần đây.
Kết hợp Iressa (thuốc có cơ chế giống Tarceva) với Avastin thì chưa có nghiên cứu. Tuy nhiên có thể vận dụng tương tự để dùng chứ chưa có chứng cớ.