Bài viết của BS Nguyễn Tuấn Khôi trên báo Thuốc và sức khoẻ tháng 6/2016- Bút danh BS Nguyên Duy
Năm 2000, chúng tôi được dự một buổi thuyết trình của một
giáo sư Pháp tại Sài Gòn. Tại buổi thuyết trình này, chúng tôi được giới thiệu
về phương pháp PET-CT, một phương pháp được cho là “thần kỳ” giúp cho các bác sĩ có thể rà tìm ung thư “từ
đầu đến chân”, phát hiện được những khối u rất nhỏ, chỉ vài milimet, độ chính
xác khá cao, hơn 90%. Lúc đầu chúng tôi còn bán tím bán nghi, nhưng sau đó vài
năm, các tạp chí y khoa đều có nhắc đến phương pháp này như một phương pháp tin
cậy và quan trọng trong chẩn đoán ung thư. Cho đến nay thì PET-CT không còn xa
lạ gì với các bác sĩ nước ta vì nhiều trung tâm đã có và sử dụng trong khoảng
hơn 5 năm nay.
PET-CT là gì ?
PET-CT viết tắt của chữ Positron emission tomography–computed
tomography là một phương pháp chụp hình toàn cơ thể nhưng trước đó người bệnh
đã được tiêm vào cơ thể một chất đặc biệt, chất này chỉ được các tế bào ung thư
“bắt” nhưng các tế bào bình thường thì không. Vì vậy khi chụp hình ảnh khối u
có bắt chất này hiện hình rất rõ. Như vậy, PET-CT là một phương pháp chụp cắt lớp
(CT: computed tomography) nhưng có sử dụng chất phát tia positron (positron
emission tomography)
Hình 1: PET-CT toàn cơ thể cho thấy hình ảnh ung thư phổi và hạch ác tính
ở trên đòn trái phát sáng
CT: computed tomography
Trước khi có CT, y khoa sử dụng X quang để khảo sát nội tạng: tim, phổi...
Máy phát tia X, tia này xuyên thấu qua
cơ thể và được “hứng” hình ảnh trên phim đặt phía sau bệnh nhân. Các cơ quan
trong cơ thể có mức độ cản tia (cản quang) khác nhau, xương cản tia nhiều nhất,
tim cản quang ít hơn do cấu tạo hoàn toàn là cơ, phổi cản tia rất ít vì chứa
nhiều không khí. Vì các mức độ cản quang khác nhau của các cơ quan nên ta có thể
thấy rõ các cơ quan trên phim X quang.
Phương pháp X quang có hạn chế vì cơ quan phía trước có thể cản trở hình ảnh
của cơ quan phía sau.
CT giống X quang ở chỗ cũng sử dụng tia X và phim “hứng” để tạo thành
hình ảnh. Tuy nhiên, phương pháp khắc phục được tình trạng cơ quan trước che ảnh
của cơ quan sau bằng cách chuyển đổi thành hình ảnh cắt lớp. Với kiểu chụp này,
hình ảnh của cơ thể được cắt thành từng lát như các lát cắt của bánh mì. Tên gọi
tomography bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ “tomos” có nghĩa là cắt lát.
CT có thể thấy được hình ảnh của khối bướu nhưng đa số trường hợp không
thể xác định chính xác là lành tính hay ác tính.
Hình 2: Khối u phổi trái trên X quang và trên CT
Vì sao CT có thể tạo ra hình ảnh cắt lát của
cơ thể ?
Đầu phát tia X của máy chụp CT có thể quay quanh cơ thể nên tia X có thể
xuyên thấu cơ thể theo nhiều phía.
Khi chụp CT, bệnh nhân nằm ngửa trên bàn. Bàn này có thể di chuyển theo
chiều dọc để đầu dò có thể cắt lớp cơ thể từ trên xuống dưới.
Máy chụp PET-CT tương tự như như máy chụp CT
Trước
khi chụp PET-CT, chất Fluorodeoxyglucose (FDG) được tiêm vào tĩnh mạch của bệnh nhân.
Chất này cấu tạo bởi hai nhóm hóa học chính yếu: fluorine18 là chất phóng xạ có thời gian bán hủy
ngắn, nhóm kia là deoxyglucose. Tế bào ung thư rất “ưa bắt” deoxyglucose hơn tế
bào bình thường vì vậy FDG sẽ tích tụ nhiều tại các khối bướu. Tại khối bướu, fluorine18
sẽ phát tia positron hình ảnh trên phim PET-CT sẽ thể hiện rõ điều này.
Khác với
CT, PET-CT cần phải có một hệ thống nhận biết tia positron phát ra từ khối u và
chuyển đổi tín hiệu này thành hình ảnh trên phim.
Hình
3: Máy chụp PET-CT
Như vậy,
PET-CT hơn hẳn CT vì có thể phân biệt được ung thư và các bệnh lành tính do khối
u ung thư bắt chất FDG và chất này phát tia positron.
PET-CT
có chẩn đoán chắc chắn ung thư hay không ?
Mức độ
chẩn đoán chính xác ung thư của PET-CT vào khoảng 80-90%, như vậy vẫn còn khoảng
10-20% lầm lẫn. PET-CT có thể lầm lẫn ung thư với bệnh lao, nhiễm nấm.
PET-CT
có thể chẩn đoán ung thư với độ chính xác rất cao nhưng lại không thể phân biệt
đây là loại ung thư nào. TD: ung thư phổi loại tế bào nhỏ và loại không tế bào
nhỏ...
Có thể dùng
PET-CT để tầm soát ung thư hay không ?
Chúng ta đã có rất
nhiều chương trình tầm soát ung thư bằng cách sử dụng CT. Kinh nghiệm học được
từ những chương trình tầm soát này (VD các chương trình tầm soát ung thư phổi)
là độ chính xác trong chần đoán ung thư đối với những khối u còn nhỏ (giai đoạn
sớm) của CT rất thấp nên đã có nhiều trường hợp phải mổ “oan” do lầm tưởng những
khối lành tính với khối u ung thư.
PET-CT có thể chẩn
đoán ung thư chính xác hơn CT chắc chắn sẽ giảm bớt những sai lầm trong tầm soát
ung thư so với CT. Đó là suy luận, y khoa lại coi trọng thực tế hơn lý luận.
PET-CT muốn chứng tỏ là một công cụ hữu hiệu để tầm soát ung thư thì cần phải
thiết kế những nghiên cứu trên một số lượng người tình nguyện khoảng vài ngàn
và phải mất nhiều năm. Tuy nhiên cho đến hiện nay, ý định dùng PET-CT để tầm
soát ung thư đều ít được áp dụng trong các nghiên cứu tầm soát ung thư được do
chi phí quá cao của nó. Tầm soát ung thư là phát hiện ung thư từ giai đoạn rất
sớm, do vậy soát ung thư bằng PET-CT người ta phải thực hiện định kỳ mỗi 6 hoặc
12 tháng, tức là phải thực hiện hiều lần chứ không phải chỉ làm một lần. Giá một
lần chụp PET-CT tại Việt Nam hiện nay khoảng 26 triệu, nếu chụp mỗi năm một lần
thì chi phí rất lớn. Xét về mặt y khoa cộng đồng thì người ta cần phải cân nhắc
giữa chí phí bỏ ra với lợi ích đạt được. Lợi ích đạt được ở đây bao gồm nhiều yếu
tố:
- Tỉ lệ phát hiện bệnh.
Tức là nếu thực hiện tầm soát khoảng 1000 người thì sẽ phát hiện được bao nhiêu
người có bệnh? Nếu con số này quá thấp, chương trình xem như thất bại.
- Nếu phát hiện được
bệnh ung thư qua tầm soát thì việc chữa trị có làm bệnh nhân sống lâu hơn không
?
Đó là những câu hỏi
chính yếu cần phải được trả lời bằng nghiên cứu thực tế trước khi PET-CT được
công nhận là một phương tiện tầm soát có hiệu quả.
Như vậy, chuyên khoa
ung thư không khuyến khích dùng PET-CT để tầm soát ung thư vì chưa có những
nghiên cứu chứng minh.
Tuy chưa được công
nhận là phương tiện tầm soát ung thư nhưng PET-CT quả thật là một phương tiện hữu
hiệu để chẩn đoán ung thư, xác định giai đoạn bệnh một cách chính xác.
BS Nguyên Duy
4 comments:
Kính chào Bác sĩ Khôi ! Mẹ em hôm nay đi khám tổng thể lại sau 20 tháng dùng thuốc iressa thì thấy rằng siêu âm ổ bụng bình thường,các chỉ số máu bình thường ,riêng chỉ số CEA là 49,5 và chỉ số CYFRA 21-1 là 1,3...Kết quà CT não thì bình thường,ko có khối u ( mặc dù đợt Mẹ em phát hiện bệnh là K phổi đã di căn não )..Kết quả CT lồng ngực độ dày lát cắt 06mm thì ghi cụ thể như sau:
-Trên cửa sổ trung thất:ko thấy hình ảnh khối,nốt trường phổi 2 bên
-Không thấy hạch trung thất
-Trung thất ko thấy tổn thương.Các buồng tim ko giãn
-Xương và các phần mềm thành ngực ko thấy tổn thương
-Các mạch máu ngấm thuốc tốt ko thấy dị dạng
-Trên cửa sổ nhu mô:Thùy trên phải có ổ tổn thương cũ đã xơ hóa .Hai phổi còn lại sáng đều
Kết Luận: Tổn thương phổi phải thùy trên cũ đã xơ hóa
Em muốn hỏi Bác sĩ là tình hình Mẹ em như vậy có tốt ko ạ?và việc các cơ quan ko có khối u,còn thùy trên phổi phải có tổn thương cũ nhưng đã bị xơ hóa thì có thể kết luận Mẹ em là NED tức là đã khỏi bệnh và ko tìm thấy tế bào ung thư chưa ạ?
Việc tổn thương cũ đã bị xơ hóa thì có thể kết luận là khối u đó nó đã chết chưa ạ?có khả năng nào nó sống lại ko ạ?
Mẹ em ko phát hiện thấy khối u nhưng sao chỉ sổ CEA lại cao hơn chỉ số bình thường nhiều vậy ạ ?
Chân thành cám ơn Bác Sĩ Khôi
Tổn thương xơ hóa chứng tỏ khối u đã ngưng hoạt động. Ung thư phổi giai đoạn này sẽ tái phát trong tương lai, không bao giờ hết bệnh vĩnh viễn, u có thể xuất hiện lại tại chỗ xơ hóa hoặc chỗ khác
Chỉ số CEA cao không phải là yếu tố chắc chắn khối u đang hoạt động
Vậy em muốn hỏi là hiện h bệnh đang ổn định,khối u đã ngưng hoạt động thì việc áp dụng hóa trị vào thời điểm này có được ko?hay là trong trường hợp của Mẹ em việc áp dụng hóa trị chỉ được nên áp dụng vào thời điểm bệnh tái phát lại,còn hiện h vẫn giữ nguyên điều trị đích và theo dõi?
Em muốn hỏi thêm là việc ổ tổn thương cũ đã xơ hóa chứng tỏ khối u đã ngưng hoạt động tuy nhiên nó vẫn còn đó và hiển hiện trên film chụp! Vậy nếu mà đáp ứng tốt hơn nữa có phải là ko nhìn thấy bất thường gì trên film chụp đúng ko ạ?Hay là đối với bệnh nhân đã ở giai đoạn này chỉ có xơ hóa là kịch trần của việc đáp ứng tốt còn ko bao h có việc trên film chụp thấy hình ảnh bình thường như người ko có bệnh?
Em thắc mắc vậy vì em xem kết luận chụp não của Mẹ em thì kết luận hoàn toàn bình thường ko thấy khối u khu trú nhưng kết quả chụp Phổi lại có kết luận là ổ tổn thương cũ đã xơ hóa nên em nghĩ là kết quả vậy sẽ ko tốt bằng trường hợp cả não và phổi đều cho kết quả hoàn toàn bình thường !
BN đã đáp ứng với điều trị bằng TKIs như Tarceva hay Iressa thì vẫ phải tiếp tục chứ không được dừng lại
Càng không có lý do chuyển qua hóa trị trong lúc này
Hình ảnh CT là hình ảnh gián tiếp, việc diễn dịch hình ảnh ung thư để cho rằng khối u còn hoạt động hay không là tương đối. Y khoa xem tổn thương xơ hóa là khối u ngừng hoạt động nhưng không dám nói chắc là trong khối xơ hóa đó còn sót lại các tế bào ung thư hay không ?
Post a Comment