Friday, July 1, 2016

UNG THƯ DẠ DÀY

 BS Nguyễn Tuấn Khôi
Bài đã đăng trên Báo Thuốc và Sức khỏe bút danh BS Nguyên Duy
Dạ dày hay còn gọi là bao tử có nhiệm vụ chứa đựng và tiêu hoá thức ăn. Thức ăn sau khi được nhai nát, nuốt sẽ đi qua thực quản rồi xuống dạ dày. Tại đây, thức ăn sẽ lưu lại vài chục phút đến vài tiếng để dạ dày co bóp làm thức ăn mềm và nhuyễn hơn bằng những những bó cơ rất khoẻ và dầy. Lớp niêm mạc dạ dày (lớp lót trong lòng dạ dày) lại có những tế bào tiết ra acide làm biến đổi thức ăn. Các tế bào này gọi là tế bào biểu mô tuyến. Ung thư dạ dày đa phần bắt đầu từ lớp tế bào tuyến này và có tên gọi y khoa là carcinoma tuyến (adenocarcinoma). Rất hiếm khi ung thư bắt đầu từ những tế bào cơ của dạ dày.
Khi các tế bào tuyến của dạ dày trở thành tế bào ung thư, chúng phân chia rất nhanh để tạo thành khối u. Khối u có ba loại hình dạng: dạng loét, dạng chồi sùi như bông cải, dạng nhiễm cứng.



Diễn tiến và triệu chứng

Khối u ung thư dạ dày rất hay chảy máu

Khối u ung thư dạ dày khi xuất hiện sẽ tăng kích thước nhanh và tăng sinh mạch máu nuôi nó, những mạch máu này khiến cho khối u dễ chảy máu.
Nếu chảy máu ít, bệnh nhân sẽ bị thiếu máu dần dần, y khoa gọi là thiếu máu mãn. Triệu chứng của thiếu máu mãn tính gồm: mệt mỏi, suy nhược, da xanh xao, chóng mặt. Khi bệnh nhân đến khám bác sĩ vì các triệu chứng nói trên, nếu bác sĩ nghi ngờ thiếu máu, bệnh nhân sẽ được làm xét nghiệm để kiểm tra xem số lượng hồng cầu trong máu có giảm hay không. Vì thiếu máu  mãn tính có rất nhiều nguyên nhân nên bác sĩ sẽ mất rất nhiều thời gian mới tìm ra  nguyên nhân là do ung thư dạ dày.
Nếu khối u chảy máu nhiều hơn, máu sẽ nằm lâu trong dạ dày  và ruột nên chuyển màu từ đỏ tươi sang đen. Bệnh nhân sẽ đi cầu ra phân đen kèm theo các triệu chứng của thiếu máu mãn tính.
Nếu khối u chảy máu rất nhiều trong một thời gian ngắn, lượngmáu có thể đến hàng lít, làm đầy dạ dày khiến bệnh nhân ói ra máu tươi có khi ngất xỉu vì mất máu quá nhanh làm hạ huyết áp đưa đến thiếu máu não. Những trường hợp này, bệnh nhân  sẽ đến bệnh viện trong tình trạng cấp cứu.

Khối u ung thư dạ dày gây cản trở lưu thông thức ăn

Thức ăn sau khi được dạ dày tiết acid để biến đổi và co bóp để là nhuyễn sẽ được đưa xuống phần tá tràng (tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non). Chỗ tiếp nối giữa dạ dày và tá tràng gọi là hang vị và môn vị. Ung thư rất hay xuất hiện tại hang vị làm hẹp môn vị khiến thức ăn khó lưu thông xuống tá tràng.
 Nếu môn vị hẹp ít, bệnh nhân chỉ có cảm giác rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, chán ăn.
Nếu môn vị hẹp hoàn toàn, thức ăn, nước uống  ứ đọng lại ở dạ dày  rất nhiều làm cho bệnh nhân phải ói ra. Điểm đặc biệt của ói do hẹp môn vị là bệnh nhân ói ra thức ăn còn nguyên mà bệnh nhân đã ăn từ 2-3 ngày trước. Việc ứ đọng thức ăn ở dạ dày còn làm cho bệnh nhân thiếu dinh dưỡng,thiếu nước. Bệnh nhân sẽ vào bệnh viện với tình trạng “da bọc xương”.

Khối u dạ dày có thể gây thủng dạ dày

Khối u ban đầu xuất phát từ lớp niêm mạc trong lòng dạ dày rồi xâm lấn đến lớp cơ, khi phá huỷ hết lớp cơ, dạ dày sẽ bị thủng. Khi dạ dày bị thủng, thức ăn và acid của dạ dày sẽ lan tràn khắp ổ bụng. Acid gây phá huỷ các cơ quan. Thức ăn gây tình trạng nhiễm trùng khắp bụng. Triệu chứng thủng dạ dày rất nghiêm trọng: đau dữ dội vùng trên rốn, y khoa gọi là đau thượng vị. Cơn đau dữ dội đến mức có thể làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, phải nhập viện cấp cứu và mổ khẩn cấp.

Khối u dạ dày có thể gieo rắc các tế bào ung thư theo dòng máu hoặc bạch huyết di căn đến gan, phổi, hạch trên đòn.

Cho nên bệnh nhân có thể có biểu hiện triệu chứng ở những cơ quan bị di căn.
Di căn phổi: ho, khó thở …
Di căn gan: bụng căng to, đau dưới bờ sườn bên phải, vàng mắt, vàng da
Di căn hạch trên đòn: bệnh nhân sờ thấy một khối ở trên xương đòn.
Như vậy bệnh nhân ung thư dạ dày có thể đến khám bác sĩ trong tình trạng rất nặng, cấp cứu: thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày; hay trong tình trạng ít nghiêm trọng và ít khẩn cấp hơn: hẹp môn vị, thiếu máu, rối loạn tiêu hoá, biểu hiện di căn phổi, gan, hạch trên đòn… Nhưng dù cho bệnh nhân có tình trạng như thế nào thì ngay từ đầu các bác sĩ cũng không thể chẩn đoán là bệnh ung thư dạ dày mà phải cần thêm các phương tiện chẩn đoán.

Chẩn đoán ung thư dạ dày

1.      Chụp X quang có cản quang Barium
Trước khi chụp X quang, bệnh nhân uống chất barium. Sau khi uống, chất này sẽ tráng lên toàn bộ niêm mạc dạ dày. Vì barium là chất cản quang (chất ngăn cản sự xuyên thấu của tia X) nên khi chụp X quang,  hình ảnh toàn bộ niêm mạc dạ dày (trong lòng dạ dày) sẽ được thấy rõ, nếu có khối u ở trong lòng dạ dày, hình ảnh của khối u cũng sẽ hiện rõ trên phim.
Trong trường hợp có hẹp môn vị, chúng ta có thể thấy hình ảnh một dạ dày dãn to hơn bình thường vì  nước và thức ăn bị ứ đọng.
2.      Soi dạ dày:
Ống soi mềm dẻo, nhỏ được đưa vào miệng, qua thực quản vào đến dạ dày. Đầu ống nội soi có đèn để chiếu sáng, có camera để quan sát. Camera này được nối tiếp với màn hình để bác sĩ nội soi có thể thấy được khối u. Nếu thấy khối u, bác sĩ sẽ điều khiển kềm sinh thiết ở đầu ống nội soi để cắt một mảnh bướu. Mảnh bướu này sẽ được gởi về phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định chắc chắn là ung thư. (Hình 1)
3.      Xét nghiệm giải phẫu bệnh
Mảnh bướu sinh thiết được xử lý qua nhiều công đoạn: nhuộm màu, cắt lát mỏng, trải trên mặt kính… bác sĩ chuyên về giải phẫu bệnh (bệnh học) sẽ quan sát bằng kính hiển vi để tìm hình ảnh những tế bào ung thư.
4.      Xét nghiệm sinh học phân tử khối bướu
Hơn 90% ung thư dạ dày là loại adenocarcinoma. Nếu xét nghiệm giải phẫu bệnh cho biết là loại này, bệnh phẩm sẽ được làm thêm một xét nghiệm tìm thụ thể Her2/Neu.
Nếu tế bào có nhiều Her2/Neu thì được xem là dương tính, thích hợp điều trị với một loại thuốc “nhắm trúng đích” trastuzumab (Herceptin), thuốc này ức chế tác lên thụ thể Her2/Neu.
Ngoài ra người ta cũng sử dụng các phương pháp khác để đánh giá mức độ lan tràn của khối u (đánh giá giai đoạn): PET-CT, MRI, CT, siêu âm…

Điều trị ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Điều trị bằng thuốc (nội khoa) đóng vai trò phụ trợ, xạ trị ít được sử dụng.

Phẫu thuật

Dù cho khối u còn rất nhỏ nhưng phẫu thuật lại rất lớn: dạ dày sẽ được cắt toàn bộ hoặc gần toàn bộ sau đó nối hai đầu cắt trên và dưới lại với nhau. Các chuỗi hạch quanh dạ dày cũng được lấy đi toàn bộ để đề phòng những hạch này bị di căn từ bướu ở dạ dày đến. (Hình 2)
Nhưng cũng có khi không thể phẫu thuật cắt dạ dày được vì bướu đã xâm lấn và dính chặt các cơ quan khác, bướu lại gây hẹp môn vị khiến thức ăn từ dạ dày không thoát xuống ruột non được . Trong trường hợp này bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật tạm bợ nối dạ dày với ruột non để thức ăn có thể đi từ dạ dày đến ruột non mà không qua môn vị.

Điều trị bằng thuốc (nội khoa)

Hoá trị hay thuốc nhắm trúng đích có thể diệt các tế bào ung thư dạ dày. Tuy nhiên phương pháp này không phải là phương pháp điều trị chính mà chỉ sử dụng trong hai tình huống:
-        Ung thư dạ dày giai đoạn sớm đã mổ, điều trị hỗ trợ sau mổ nhằm ngăn ngừa di căn xa.
-        Ung thư dạ dày giai đoạn trễ, không phẫu thuật triệt để được, hoá trị nhằm làm bướu giảm kích thước nhờ đó làm giảm thiểu triệu chứng.
 Các thuốc hoá trị ung thư dạ dày:
Các tế bào ung thư sinh sản rất nhanh bằng cách tự phân đôi, một tế bào có thể tạo ra hai tế bào. Hiện tượng này gọi là nguyên phân. Tế bào bình thường cũng có hiện tượng nguyên phân nhưng tốc độ chậm hơn.  Các thuốc hoá trị đều nhắm vào các tế bào trong lúc phân chia, tế bào ung thư phân chia nhanh nên bị thuốc hoá trị tiêu diệt. Có rất nhiều thuốc hoá trị cho ung thư dạ dày, phần lớn đều ở dạng truyền tĩnh mạch: thuốc được pha vào chai nước biển rồi truyền cho bệnh nhân như Fluorouracil (5-FU), epirubicin, cisplatin, oxaliplatin,  docetaxel, etoposide, doxorubicin, methotrexate. Capecitabine là loại thuốc dạng viên uống.
Có thể điều trị với một thuốc hoặc dùng phối hợp 2-3 thuốc với nhau.
Thuốc nhắm trúng đích điều trị ung thư dạ dày:
Trastuzumab (Herceptin) là thuốc nhắm vào thụ thể Her2/Neu của tế bào ung thư.

Tại sao bị ung thư dạ dày ?

Do mắc một số bệnh khác

-        Nhiễm vi trùng Helicobacter pylori (H. pylori): Loại vi trùng này ban đầu gây viêm dạ dày sau đó vùng viêm có thể chuyển thành vết loét rối hoá thành ung thư.
-        Viêm dạ dày mãn tính xơ teo
-        Thiếu máu do kém hấp thu vitamin B12
-        Polyp dạ dày

Do bẩm sinh

Hay nói cách khác một số người có sẵn các gen dễ mắc bệnh ung thư dạ dày. Nếu một người có một trong các tình trạng sau sẽ dễ mắc ung thư dạ dày hơn những người khác:
-        Có cha, mẹ, anh, chị, em mắc bệnh ung thư dạ dày
-        Có nhóm máu A
-        Bệnh polyp di truyền

Do ăn uống

-        Ăn ít rau, trái cây
-        Ăn nhiều thức ăn như thịt muối, thịt xông khói

Do môi trường

-        Môi trường có chất phóng xạ
-        Nhà máy sản xuất cao su, khu khai thác than đá

Các triệu chứng sớm của ung thư dạ dày

Ở giai đoạn sớm, đa phần ung thư dạ dày không có triệu chứng. Nếu có, thường nhẹ, không đặc biệt và dễ lầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh nhân thường có triệu chứng: chán ăn, đầy bụng, sụt cân, buồn ói, mệt mỏi, da xanh xao. Do vậy, chúng ta không được xem thường bất kỳ triệu chứng nào kéo dài và ngày càng nặng hơn, có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Phải đến khám bác sĩ nếu có những triệu chứng này.
BS Nguyên Duy



No comments: