Thursday, January 12, 2017

CHÚNG TA CÓ THỂ PHÒNG NGỪA VÀ PHÁT HIỆN SỚM UNG THƯ HAY KHÔNG?



 Bài của BS Nguyễn Tuán Khôi đã đăng Báo Thuốc và Sức Khoẻ Xuân 2017, bút danh BS Nguyên Duy


Hầu hết các trường hợp ung thư đều được chẩn đoán ở giai đoạn trễ. Làm bác sĩ chuyên khoa ung thư trong nhiều năm, tôi đã phải làm một việc mà cho đến giờ tôi vẫn thấy rất khó khăn đó là phải thông báo cho bệnh nhân về bệnh tình của họ. Lần nào cũng vậy, họ rất ngạc nhiên: “Tôi thấy trong người hơi khác chỉ mới vài tuần nay thôi, bác sĩ có xem kỹ cho tôi chưa,  sao lại giai đoạn trễ được, thật không thể tin được …”

Ung thư là một căn bệnh rất hiểm ác, hiểm ác ở chỗ chỉ gây nên triệu chứng để bệnh nhân nhận biết khi ở giai đoạn rất trễ.

Một số người hay “khoe” với tôi là họ vừa đi tầm soát ung thư ở nơi này, nơi khác, tôi xem lại thì thấy đôi khi là những những phiếu thử máu với vài yếu tố có liên quan đến ung thư như: AFP, CA 125, CEA..

Có khi là X quang phổi, siêu âm bụng. Nhìn chung thì có vẻ việc tầm soát, ngăn ngừa ung thư có vẻ  không toàn diện lắm.

Vậy có cách nào phát hiện sớm thư hay không?

Xin trả lời ngay là Có ! Chúng ta không những có thể phát hiện sớm ung thư mà chúng ta còn có thể phòng ngừa chúng nữa. Chúng ta cần làm 6 điều như sau

 

1. Điều chỉnh lối sống của mình

Nếu không để ý, chúng ta sẽ phạm phải những sai lầm trong lối sống khiến bệnh ung thư có điều kiện tốt để hình thành. Xin hãy rà soát bản thân mình bằng những câu hỏi như sau:

Bạn có để cho mình thừa cân quá hay không ?


Thừa cân có liên quan đến một loạt các bệnh ung thư khác nhau: ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư túi mật, ung thư tuỵ, ung thư thực quản.

Để giảm cân hoặc ngăn ngừa tăng cân chúng ta chỉ chú ý hai yếu tố: giảm ăn uống và tăng vận động




 

 

 


Bạn có hút thuốc hay không ?


Hút thuốc gây nên rất nhiều loại ung thư: phổi, thanh quản, bọng đái, gan, dạ dày, thận…

Ở một số vùng quê, nhiều người còn có thói quen nhai thuốc lá. Nhai thuốc lá sẽ làm cho bệnh nhân dễ mắc bệnh ung thư miệng, thực quản, tuỵ.





Không được uống rượu quá mức


Uống rượu làm tăng nguy cơ bị ung thư hốc miệng, ung thư vùng đầu-cổ, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư vú. Để tránh nguy cơ gia tăng các ung thư nói trên chúng ta không nên uống rượu hoặc uống rượu vừa phải. Uống rượu vừ phải là nếu uống bia thì không được quá 355 ml (tức là cỡ 1 lon), nếu uống rượu vang thì không quá 148 ml, uống rượu mạnh thì không được quá 44ml.







Thực phẩm chúng ta ăn vào có an toàn không?


Các thực phẩm được bảo quản bằng các hoá chất độc hại cần phải chú ý.

Ăn thường xuyên các thực phẩm không tươi-sống: cá muối, thịt muối, dưa muối, ngũ cốc bị nấm mốc .








Hãy sống ở những nơi cách xa các nhà máy hoá chất độc hại

 


 

 

 

 

Da qui đầu của bạn có thừa hay không?


Nếu có thì hãy mau đi cắt. Da qui đầu thừa làm chất tiết ở đầu dương vật bị đọng lại sin hung thư dương vật.



2. Chích ngừa các bệnh liên quan đến ung thư


Chích ngừa HPV


HPV (Human papillomaviruses) là tên gọi của một nhóm gồm hơn 200 loại siêu vi khác nhau trong đó có khoảng 40 loại là lây qua đường tình dục trong đó có 2 loại 16 và 18 có lien quan đến ung thư. Nhiễm HPV loại 16, 18 dễ bị ung thư  cổ tử cung, ung thư hốc miệng, ung thư hậu môn.

Có thể chích ngừa bằng các loại thuốc: Gardasil®, Gardasil® 9, Cervarix® cho những người chưa hề tiếp xúc tình dục.

Chích ngừa viêm gan siêu vi  B


Bị viêm gan siêu vi dễ dẫn tới ung thư gan. Hiện nay, tại nước ta, các trẻ sơ sinh đều được tiêm ngừa viêm gan siêu vi B.

3. Điều trị một số bệnh nhiễm trùng

Nhiễm HIV


Nhiễm HIV làm tăng nguy cơ mắc phải 3 loại bệnh ung thư: Kaposi sarcoma, non-Hodgkin lymphoma và ung thư cổ tử cung.

Kaposi sarcoma: xuất hiện nhiều khối u đỏ tím trên da hoặc niêm mạc miệng. Bệnh nhân bị nhiễm HIV sẽ dễ mắc bệnh này gấp ngàn lần so với một người bình thường.

Non-Hodgkin lymphoma: xuất hiện nhiều khối hạch toàn thân. Người nhiễm HIV dễ mắc bệnh này gấp  70 lần so với người bình thường.

Ung thư cổ tử cung:  Người nhiễm HIV dễ mắc bệnh này gấp 5 lần người bình thường.

Điều trị thuốc chống HIV sẽ làm giảm nguy cơ bị Kaposi sarcoma và non-Hodgkin lymphoma nhưng không giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Nhiễm Helicobacter pylori


Helicobacter pylori là một loại vi trùng có thể sống trong các tế bào niêm mạc của bao tử. Vi trùng này gây loét bao tử rồi hoá thành ung thư.

Thống kê cho thất những người nhiễm Helicobacter pylori sẽ dễ mắc bệnh ung thư dạ dày (ung thư bao tử) gấp 6 lần người không nhiễm.

Làm sao biết nhiễm  Helicobacter pylori ? Có thể sinh thiết vết loét của bao tử hoặc thử máu thử phân thậm chí tìm trong hơi thở.

Những người bị loét dạ dày phải làm xét nghiệm tìm  Helicobacter pylori. Vi trùng này có thể bị loại trừ dễ dàng khỏi cơ thể bằng kháng sinh. Thống kê trong vài chục năm qua cho thấy việc điều trị triệt để nhiễm Helicobacter pylori sẽ làm giảm nguy cơ ung thư bao tử.



Viêm gan siêu vi C


Viêm gan siêu vi C dễ dẫn tới ung thư gan. Thử máu sẽ biết có bị nhiễm hay không. Nếu nhiễm, điều trị bằng thuốc diệt siêu vi sẽ làm giảm nguy cơ bị ung thư gan.

4. Phát hiện các ung thư có liên quan đến di truyền trong dòng họ

Một số ung thư có liên quan đến di truyền. Nguyên nhân là đã có những đột biến gen được truyền từ đời này sang đời khác.

- Gene BRCA viết tắt của chữ Breast Cancer (ung thư vú)
Hai gene BRCA-1 và BRCA-2 là những gene có ích của cơ thể. Trong cơ thể của người bình thường thì hai gene này tạo ra các loại protein để sửa chữa những tổn thương DNA của những tế bào khác. Những tổn thương DNA của tế bào rất đa dạng, một số tổn thương làm cho tế bào trở thành tế bào ung thư. Do vậy nói cho dễ hiểu thì gien BRCA-1 và BRCA-2 là gene ngăn ngừa ung thư. Khi một trong hai gien này bị đột biến thì rất dễ mắc bệnh ung thư vú và  buồng trứng. Nếu phụ nữ phát hiện mình mang gen này thì nên phòng ngừa bằng cách phẫu thuật cắt vú hoặc cắt buồng trừng vì nguy cơ bị ung thư ở hai cơ quan này là rất cao.
- Hội chứng  Li-Fraumeni liên quan đến nhiều bệnh ung thư khác nhau. Nguyên nhân là do đột biến gene TP53.

- Hội chứng Cowden liên quan đến ung thư vú, ung thư tuyến giáp, ung thư nội mạc tử cung.

Nguyên nhân là do đột biến gene PTEN.

5. Tham gia vào các chương trình tầm soát ung thư

Hiện nay có một số chương trình tầm soát các loại ung thư: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng tại một số bệnh viện. Những người trên 40 tuổi nên chú ý các chương trình này để tham gia.

6. Hãy chú ý các dấu hiệu nghi ung thư có trên cơ thể mình

Y khoa đưa ra bảy triệu chứng báo động ung thư để mọi người có thể tự phát hiện sớm ung thư. Vậy chúng ta hãy rà soát xem cơ thể mình có những dấu hiệu này hay không, nếu có thì hãy mau mau tới bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.  

Thứ nhất:

- Lúc thì táo bón kéo dài rồi sau đó lại tiêu chảy rồi lại táo bón. Trước giờ bạn không bao giờ có chuyện này, vài tuần, vài tháng nay mới xuất hiện.

- Đi tiểu lắt nhắt, tiểu khó cũng mới xảy ra vài tuần, vài tháng nay

Thứ hai:

Đau nhức kéo dài ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể mà không khỏi mặc dù đã đi khám bác sĩ và làm một số xét nghiệm ban đầu để tìm nguyên nhân nhưng cũng không rõ nguyên nhân.

Thứ ba:

Chảy máu bất thường từ một số nơi trên cơ thể: chảy máu mũi,  mũi, miệng, ho ra máu, tiểu ra máu, ói ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu từ bộ phận sinh dục nữ (xuất huyết âm đạo)

Thứ tư:

Phát hiện thấy có khối u, khối hạch

Thứ năm:

Ăn uống vào thấy đầy bụng, khó tiêu

Nuốt khó, tăng dần

Thứ sáu:

- Mụt ruồi trên cơ thể đã có từ lâu nhưng thời gian gần đây thấy có thay đổi nhanh: lớn nhanh, màu đen sẫm hơn lúc trước, chảy máu.

- Vết loét mới có ở da, niêm mạc, trên 2 tuần mà không giảm.

Thứ bảy:

Ho kéo dài

Khàn tiến kéo dài

Tôi vừa trình bày một cái nhìn toàn diện về việc phòng ngừa, phát hiện sớm ung thư. Nếu các bạn làm theo đúng như vậy thì nguy cơ bị ung thư của chúng ta sẽ giảm đáng kể và chúng ta có thể tiêu diện tận gốc ung thư khi chúng vừa xuất hiện trên cơ thể. Tuy nhiên tôi chắc là mọi người đều không thể tự mình đọc bài này rồi tự ý tiến hành được vì. Bạn nên nhờ một bác sĩ gia đình, bác sĩ tổng quát rà soát cơ thể của bạn dựa trên những điều  trên.

BS Nguyên Duy




1 comment:

Unknown said...

Phòng ngừa bằng cách khắc phục nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ để bệnh không xảy ra.
Tầm soát là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi chưa có triệu chứng. Khi có các triệu chứng rồi thì thường ở giai đoạn không sớm như trong tầm soát nữa.

Gôm hết cả 3 cách này không thể gọi là phòng bệnh ung thư được, chỉ có tình huống đầu mới là phòng ngừa, ngay cả khi biết do yếu tố di truyền gây ung thư cũng không ngừa được trừ khi cắt bỏ cơ quan.
BS Hòa