Friday, February 17, 2017

Đau Của Bệnh Nhân Ung Thư

Bài viết đã đăng báo Thuốc và Sức Khoẻ, bút danh BS Nguyên Duy

Bà X hết sức ngạc nhiên khi được bác sĩ thông báo rằng bà bị ung thư ở giai đoạn khá nặng.
-          Tôi không thể bị ung thư được-  Bà nói- Tôi không hề đau một chút nào mà! Tôi biết rất nhiều người bị ung thư, họ đau dữ dội lắm, phải tiêm morphin mà cũng không hết đau.
Đúng vậy, ung thư ở giai đoạn cuối đa số rất đau nhưng có một số bệnh nhân, một số loại ung thư hoàn toàn không đau. Ung thư còn hiểm ác ở chỗ chúng hoàn toàn không gây đau ở giai đoạn sớm.

Tuỳ vào vị  trí khối u mà tính chất có khác nhau.

1.       Ung thư đại tràng: khối u lớn lên làm tắc ruột, ruột phải tăng co thắt để đẩy phân xuống nhưng không đẩy được khiến đau bụng dữ dội, từng cơn theo nhịp co thắt của ruột.
2.       Ung thư gan: khi khối u quá lớn mới làm căng bao gan gây đau.
3.       Ung thư não: khối u lớn gây tăng áp lực nội sọ khiến nhức đầu kèm theo ói, có khi còn kèm theo dấu hiệu thần kinh như liệt nửa người hoặc thay đổi tính tình, tri giác.
4.       Ung thư bao tử cũng giống ung thư đai tràng, gây tắc nghẽn sự lưu thông chủ thức ăn từ bao tử xuống ruột, gọi là hẹp môn vị. Đau bụng từng cơn theo nhịp co thắt của bao tử, kèm them ói ra thức ăn đã ăn từ mấy ngày hôm trước.
Đa số khối u gây đau là do khối u lớn lên gây chèn ép vào những dây thần kinh lớn như khối u ở phổi xâm lấn thành ngực, nơi có thần kinh liên sườn gây đau theo một vùng ở thành ngực. Hạch cổ chèn vào các bó dây thần kinh ở cổ..

-          Tại sao ung thư ở giai đoạn sớm thường không đau?

Như ở trên đã trình bày, các khối u phải khá lớn mới gây đau. Ung thư giai đoạn sớm, u còn nhỏ “chưa đủ sức” gây đau.
-          Nhưng lại có những trường hợp ung thư ở giai đoạn cuối lại không đau?
Ung thư buồng trứng là một thí dụ. U lớn lên nhưng lại không gây tắc nghẽn cơ quan nào như u đại tràng, lại không chèn vào các dây thần kinh, cơ bụng lại  co giãn tốt nên u dù lớn cũng không gây tăng áp lực trong bụng nên không đau.
    Bệnh ung thư ngoài đau do khối u gây ra còn có đau do điều trị gây ra:
-          Xạ trị vùng đầu cổ gây lở miệng, viêm da xuất rất đau hiện sau xạ trị từ 1 tuần trở đi ,  gây hoại tử xương hàm sau xạ trị sau 1 vài năm.
-          Hoá trị gây đau bụng, tiêu chảy, tê tay, tê chân, đau khớp, đau cơ…
-          Phẫu thuật ngoài đau vết thương khi mới mổ, chưa lành còn có cơn đau dai dẳng kéo dài nhiều năm nhiều tháng dù vết mổ đã lành từ lâu.

Làm sao để giảm đau ?

Lần trước tôi đã giải thích tại sao đau, giờ xin tóm tắt lại những điều đã nói. Khi có kích thích đau (TD dao cắt vào tay)  sẽ sinh ra luồng thần kinh (xung động) truyền từ thụ thể cảm nhận đau theo dây thần kinh về tuỷ sống rồi từ tuỷ sống lên não ở vùng đồi thị. Kích thích đau có khi không bắt đầu từ thụ thể mà bắt đầu từ dây thần kinh. TD: thoát vị đĩa đệm làm cho cột sống đè vào dây thần kinh. Có khi kích thích đau lại bắt đầu tại não. 

Vậy muốn giảm đau phải làm sao?

Phải nhớ 2 điều quan trọng: thứ nhất: phải loại trừ nguyên nhân gây đau; thứ hai giải quyết cơn đau hướng theo đường đi của luồng thần kinh cảm giác đau.

Xin giải thích rõ hơn điều thứ nhất

Khi bàn tay ta  sờ vào ấm nước nóng, sẽ đau. Rút tay ra sẽ bớt đau.
Viêm ruột thừa, người bệnh đau vô cùng vì ruột thừa bị nhiễm trùng, sưng tấy, có mủ, bác sĩ mổ cắt bỏ ruột thừa, hết đau.
Thoát vị đĩa đệm, cột sống đè nghiến lên dây thần kinh, bác sĩ mổ điều chỉnh lại cột sống không cho chèn ép thần kinh nữa, hết đau.
Ung thư phát triển gây đau, phẫu thuật lấy đi khối u hoặc xạ trị, hoá trị làm teo nhỏ khối u sẽ giảm đau.
Đau bụng do tiêu chảy, ruột co thắt quá mức gây đau, dung các thuốc giảm co thắt ruột như atropine, spasmaverin…sẽ bớt đau.

Hình như điều thứ nhất này rất quan trọng

Đúng vậy, y khoa gọi là điều trị nguyên nhân, bao giờ cũng quan trọng và thầy thuốc luôn mong muốn đạt được hơn cách điều trị thứ hai là điều trị triệu chứng. Tuy vậy không thể thiếu điều trị triệu chứng trong giảm đau. Trong khi chờ lên chương trình để mổ (thường mất vài ngày) bệnh nhân cần phải dùng thuốc giảm đau.

Và muốn điều trị triệu chứng cơn đau thì phải nhớ đến điều thứ hai?

Đúng vậy, giải quyết cơn đau dựa theo hành trình của luồng thần kinh cảm giác đau: (1)thụ thể đau, (2)dây thần kinh, (3) tuỷ sống, (4) đồi thị, (5) vỏ não.

Giảm đau bằng cách tác động đến thụ thể đau

Khi đau, tại thụ thể vùng quanh thụ thể đau sẽ có biến đổi hoá học, xuất hiện các enzim, các chất gây viêm. Các thuốc giảm đau sẽ can thiệp vào những biến đổi hoá học ở vùng quanh thụ thể bằng cách ngăn cản sự hình thành các chất gây đau. Các thuốc thuộc loại này gọi là các thuốc giảm đau không gây nghiện (non-opioid analgesics) gồm các thuốc aspirin, acetaminophen (paracetamol), các thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroide như diclofenac, ibuprofen, ketoprofen…
Hoặc các thuốc tê như lidocain
 

No comments: