Monday, November 3, 2014

HÓA TRỊ LÀ GÌ?



HÓA TRỊ LÀ GÌ? 

 

BS Nguyễn Tuấn Khôi

(đã đăng báo Thuốc và Sức Khỏe năm 2014, bút danh BS NGUYÊN DUY)











Bà  X, một bệnh  nhân ung thư  kể lại rằng khi bà báo với  chồng, con của bà rằng bác sĩ đề nghị bà nên hóa trị, mọi người đều phản đối: - Hóa trị hả? Thôi! Đừng! – Chất hóa học rất độc, giống như thuốc trừ sâu, lẫn vào thức ăn, bao người ăn vào thiệt mạng -  như chất  mê la min pha vào sữa làm người ta  suy thận – như axit làm da bị phỏng thật khủng khiếp. Nhưng cuối cùng mọi người quyết định gặp bác sĩ để được tham vấn và sau đó họ đã thay đổi hẳn suy nghĩ  vì biết hóa trị là gì.
Hóa trị là gì?
Là dùng một loại thuốc đặc trị có thể tiêu diệt được các tế bào ung thư. Phần lớn các thuốc này đều được dùng qua đường tĩnh mạch, tức là thuốc được pha loãng vào chai nước biển rồi truyền vào cơ thể qua mạch máu .
Có độc hại không?
– Có chứ! Không độc hại sao diệt nổi mấy tế bào ung thư “hung dữ”
Biết độc hại sao vẫn dùng?
– “Độc” cho ung thư thì nhiều, “độc” cho cơ thể thì ít hơn. Ung thư đe dọa cơ thể, nếu hóa trị diệt được ung thư cơ thể sẽ được lợi rất nhiều so với những độc hại không lớn lắm cho cơ thể.
Sao dùng từ hóa trị, nghe “ghê quá”?
- Ở nước ngoài người ta cũng dùng từ này, chemotherapy. Tên gọi có liên quan đến lịch sử hình thành ngành hóa trị. Sau thế chiến II, các nhà khoa học để ý thấy những bệnh nhân chết vì khí độc mustard có tình trạng thiếu các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) trong tủy  xương. Những tế bào máu này giống tế bào ung thư ở chỗ chúng sinh sản rất nhanh nên ngưới ta nghĩ có thể dựa trên thành phần hóa học này để bào chế ra các loại thuốc chống ung thư. Rất nhiều thuốc dựa trên khí mustard  được gọi là nhóm nitrogen mustard như cyclophosphamide, ifosfamide, chlorambucin, mephala… Nay còn thêm rất nhiếu thuốc khác thành phần hóa học không dựa vào chất khí mustard như paclitaxel, docetaxel…
Như vậy hoá trị cũng chỉ là dùng thuốc “tây” để trị bệnh?
- Đúng vậy, thuốc được bào chế từ các hãng dược phẩm nổi tiếng trên thế giới, bệnh viện không ra chợ Kim Biên để mua hoá chất về truyền cho bệnh nhân đâu, đừng sợ!
Hoá trị để làm gì?
Tuỳ vào loại bệnh ung thư và giai đoạn, hoá trị có thể đạt được các mục tiêu:
-  Chữa khỏi: sau khi hoá trị bác sĩ không còn tìm thấy tế bào ung thư trong cơ thể và bệnh cũng không có cơ hội tái phát
-  Kềm chế: Hoá trị làm cho bệnh không phát triển thêm hoặc chậm phát triển.
-    Giảm thiểu triệu chứng: Hoá trị làm cho bướu nhỏ đi nên giảm đau cho bệnh nhân.
Trong thực tế, hoá trị sẽ nằm trong các tình huống sau:
-  Hoá trị làm cho bướu nhỏ bớt rồi sau đó phẫu thuật hoặc xạ trị, gọi là hoá trị tân hỗ trợ
-  Sau phẫu thuật hoặc xạ trị bệnh nhân được bác sĩ tiếp tục hoá trị để tiêu diệt hết những tế bào ung thư còn sót lại để ngăn ngừa tái phát hoặc di căn, gọi là hoá trị hỗ trợ. Thí dụ: ung thư vú, sau khi đã được mổ tận gốc: cắt bỏ toàn bộ vú, nạo hạch nách, lại còn phải hoá trị hỗ trợ nhiều đợt sau mổ để đạt được mục tiêu chữa khỏi.
-  Hoá trị cùng lúc với xạ trị để xạ trị có hiệu quả hơn, gọi là hoá- xạ đồng thời.
-  Hoá trị khi bệnh đã lan tràn, di căn, tái phát.
Bệnh nhân sắp hoá trị, tâm lý thay đổi rất nhiều, có người lo lắng, có người buồn rầu, tuyệt vọng, cảm giác cô đơn… Bác sĩ, y tá có thể không biết đến điều này vì vậy phải tự cứu mình bằng những biện pháp tâm lý, tự trấn an, thư giãn. Nên tăng cường mối giao tiếp xã hội, hãy dựa vào gia đình, bạn bè và quan trọng nhất là phải biết trước các tác dụng phụ của hoá trị và cách đối phó với chúng.
Hoá trị được thực hiện ra sao?
Đa số được truyền qua mạch máu. Bệnh nhân có thể nằm hoặc ngồi, thời gian truyền tuỳ loại thuốc thường thì vài giờ truyền trong một ngày hoặc 3-5 ngày lien tiếp, cứ 3 tuần lại truyền một lần mỗi lần truyền gọi là một đợt hay một chu kỳ.
Tác dụng phụ của hoá trị:
-  Ói và buồn ói: xảy ra trong lúc hoá trị, hoặc trongvài giờ, vài ngày sau hoá trị. Hiên nay có nhiều thuốc chống ói rất hiệu quả nên ngày càng ít gặp tuy vậy vẫn có thể bị ói nếu bệnh nhân thuộc loại quá nhạy cảm. Nếu sau khi hoá trị, về nhà bị ói, bạn nhớ kiểm tra xem bác sĩ có cho viên thuốc chống ói không. Nếu không có thuốc chống ói nên lien hệ với bác sĩ, y tá để được giúp đỡ. Ói tuy không nguy hiểm nhưng sẽ làm ta mất sức, tinh thần hoang mang, lo sợ.
-  Chán ăn
-  Mệt mỏi
-  Rụng tóc: thường xuất hiện sau hoá trị vài tuần. Tóc rụng từ từ , từng mảng, đa số bệnh nhân sẽ cạo sạch tóc trước khi tóc rụng nhiều vì để tóc rụng từng mảng rất xấu. Không có cách ngăn ngừa rụng tóc. Tốt nhất là đội tóc giả hoặc khăn. Không phải bệnh nhân hoá trị nào cũng rụng tóc, tuỳ cơ thể của từng người và loại thuốc -  lại càng không phải bệnh nhân nào không bị rụng tóc là thuốc không có hiệu quả.
-  Lở miệng: sau hoá trị vài tuần có thể sẽ bị lở miệng. Nên uống thuốc giảm đau, uống thuốc giảm viêm nếu lở miệng nặng. Giữ vệ sinh miệng bằng cách đánh răng.
- Nhiễm trùng: Hoá trị sẽ “đánh” vào những tế bào phân chia nhanh như tế bào ung thư và những tế bào bình thường như những tế bào bạch cầu còn non đang được hình thành trong tuỷ xương để chuẩn bị cung cấp cho dòng máu. Bạch cầu làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng. Hoá trị làm giảm bạch cầu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng và khi bị nhiễm trùng thì rất nặng vì cơ thể không đủ sức đề kháng. Sau hoá trị 1 tuần, nếu bị sốt phải đến bệnh viện ngay để được thử máu đếm số lượng bạch cầu và kiểm tra tình trạng nhiễm trùng.
-  Chảy máu: có thể bị chảy máu mũi, nướu răng, vết bầm (chảy máu dưới da) hoặc nặng hơn chảy máu trong não làm bệnh nhân hôn mê. Nguyên nhân là do hoá trị làm giảm sinh sản tiểu cầu ở trong tuỷ xương giống như giảm bạch cầu như đã nói ở trên. Tiểu cầu giúp đông máu, giảm tiểu cầu làm máu chảy không cầm được.
- Những biến đổi ở cơ quan sinh dục: Hoá trị có thể làm bệnh nhân giảm ham muốn tình dục, gây vô sinh hoặc gây quái thai. Bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt vợ chồng như bình thường trong giai đoạn hoá trị nhưng phải ngừa thai.  Những cặp vợ chồng chưa có con, trước khi hoá trị phải báo cho bác sĩ biết nếu mong muốn có con để có thể gởi tinh trùng hoặc trứng dự trữ để thụ tinh nhân tạo sau này.
                          BS Nguyên Duy

4 comments:

Boss đỏ said...

Bác sỹ cho em hỏi mình cần bồi bổ cơ thể bằng cách ăn yến/ sâm trước và sau đợt hóa trị được không ạ? Hay có phương pháp bồi bổ nào khác không ạ? Em cám ơn!

Nguyễn Tuấn Khôi said...

Có rất nhiều nghiên cứu từ các trung tâm y khoa nổi tiếng của phương Tây cho thấy sâm có tác dụng làm giảm mệt mỏi ở bệnh nhân ung thư. Do vậy chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng sâm cho người bị ung thư.

Boss đỏ said...

Cháu cám ơn Bác sỹ.
Cháu muốn hỏi là trong và sau đợt điều trị hóa trị, cháu muốn đề xuất dùng thêm 1 số loại thuốc bổ, thuốc tẩy, thuốc phòng...ngoài danh mục BHYT để giảm bớt tác dụng phụ không mong muốn do Hóa trị gây ra có được không ạ? Bác cho cháu hỏi là chi phí có các loại này có lớn không với ạ?

Cháu cám ơn Bác sỹ.

Nguyễn Tuấn Khôi said...

- Nếu bạn có ý định cho mẹ bạn dùng sâm hay yến thì giá cả khá cao
- Đối với tây y thì thuốc bổ dùng tùy theo bệnh nhân:
Bệnh nhân quá ốm yếu, ăn uống kém: dùng các sữa dinh dưỡng cao cho người bệnh như Prosure là tốt nhất, chi phí không quá cao
Thử máu cho thấy thiếu các yếu ố vi lượng như Mg, Ca ... thì dùng các thuốc bổ có các yếu tố này
Các loại multivitamin giá rất rẻ