Monday, November 3, 2014

PHẢI LÀM GÌ KHI BỊ UNG THƯ

PHẢI LÀM GÌ KHI BỊ UNG THƯ


BS Nguyễn Tuấn Khôi

(đã đăng báo Thuốc và Sức Khỏe 2013, bút danh BS NGUYÊN DUY)


Khi được BS bị ung thư hầu hết mọi người đều cảm thấy buồn, lo lắng, tuyệt vọng thậm chí hoảng loạn. Tất nhiên, vì đây là phản ứng tự nhiên của một con người. Tuy nhiên sau phút giây ứng xử theo “tình cảm” như vậy bạn nên dùng “lý trí” để giải quyết để tránh những sai lầm đáng tiếc trong điều trị. Ta phải làm gi?









Tôi khuyên bạn nên làm hai điều sau:
Thứ nhất: hãy hỏi BS thật nhiều để biết rõ bệnh tình của mình
Thứ hai: sau khi đã biết rõ về bệnh tình của mình thì cần bàn bạc với những người thân
Hỏi BS những điều gì? Có ba câu hỏi lớn bạn cần phải hỏi
Câu hỏi thứ nhất: Có chắc chắn 100% tôi bị bệnh ung thư không?
Chúng tôi thường được các bệnh nhân kể về các “huyền thoại”: ông X, bà Y được BS chẩn đoán ung thư, bệnh viện “chê”, cho về chờ chết nhưng may mắn gặp thầy Ba, thầy Tư “hốt” mấy thang thuốc nên sống “khoẻ re” đến giờ này. Thấy “tự ái” quá nên chúng tôi nhất quyết “truy” vụ này tới cùng. Kết quả bệnh nhân chỉ bị xơ gan, vùng gan bị xơ tạo những khối khiến siêu âm có khi nghi ngờ ung thư. Một trường hợp khác, bệnh nhân chỉ bị viêm phổi hay lao phổi đã khỏi bệnh nay để lại những vết sẹo phổi mà trên phim X quang trông giống ung thư phổi. Trong lúc chờ BS xác định thêm chẩn đoán, bệnh nhân lại bỏ chạy tìm thầy.
Thông thường ban đầu bệnh nhân lại được phát hiện bị ung thư bởi các BS không phải chuyên khoa ung thư. Dựa trên các triệu chứng của bệnh nhân và các phương tiện chẩn hình ảnh như siêu âm, X quang, CT, MRI các BS này mới chỉ nghi ngờ ung thư mà thôi và chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện có chuyên khoa ung thư. Tại chuyên khoa ung thư chúng tôi  sẽ thực hiện một xét nghiệm có tính quyết định để xác định chắc chắn ung thư đó là sinh thiết khối u gởi phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh sau 4 – 5 ngày mới có kết quả. Sinh thiết khối u là dùng dao hay một kềm bấm cắt một mảnh khối u. Sinh thiết u thường không dễ làm nhất là các khối u của nội tạng như phổi, gan, ruột, bao tử. Thí dụ: để sinh thiết u ở ruột (đại trực tràng) phải dùng dụng cụ nội soi đưa vào hậu môn, vào ruột dò tìm nơi có u, dừng lại cắt khối u bằng một kềm bấm luồn trong ống nội soi.
Bạn nên nhớ lá các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X quang, CT, MRI chỉ cho ta thấy khối u một cách gián tiếp nên không thể dựa vào mà chẩn đoán ung thư chắc chắn được. Chỉ có sinh thiết khối u, gởi phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh mới chắc chắn  là ung thư.
Câu hỏi thứ hai: Tôi sẽ được trị bệnh ra sao?
Để trị ung thư, hiện nay có 3 phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị, điều trị bằng thuốc
Đối  với câu hỏi này hiếm khi nào BS trả lời chi tiết, đầy đủ. Thông thường BS sẽ thông báo bạn cần phải mổ hay xạ trị hay hoá trị. Sẽ sinh ra nhiều câu hỏi phụ từ câu hỏi chính này.
Thí dụ: BS báo, bệnh cần phải mổ, bạn cần hỏi thêm: mổ ở nơi nào trên cơ thể? có nguy hiểm không? Nằm viện mấy ngày? Tốn kém bao nhiêu? Hy vọng thành công của cuộc mổ có lớn hay không? Sau khi mổ có cần hoá trị hay xạ trị không? Trị bệnh ở bệnh viện nào là tốt nhất.
Các câu hỏi tương tự cũng được đặt ra nếu BS báo bạn cần phải xạ trị hoặc điều trị bằng thuốc.
Nếu điều trị bằng thuốc, bạn nên biết rằng hiên nay có rất nhiều loại thuốc được lựa chọn với  giá tiền và hiệu quả trị bệnh khác nhau và không phải một loại thuốc đắt gấp đôi gấp sẽ có hiệu quả trị bệnh gấp đôi gấp ba cho nên bạn cần phải hỏi kỹ để BS giải thích rõ hơn để lựa chọn phù hợp với túi tiền của mình.
Câu thứ ba: Hy vọng khỏi bệnh của tôi như thế nào?
Nhiều bệnh nhân hay hỏi bác sĩ xem bệnh của họ ở giai đoạn nào. Ý muốn của họ là muốn biết xem bệnh có nặng chưa và sống được lâu hay không mà thuật ngữ y khoa gọi là tiên lượng. Bạn không nên hỏi như vậy vì bạn sẽ dễ bị hiểu sai. Lý do?  Giai đoạn không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tiên lượng. Ung thư tuyến giáp ở giai đoạn có di căn xa vẫn có thể sống thêm được 5-10 năm là chuyện thường thấy. Ung thư gan dù ở giai đoạn sớm vẫn khó sống đến 5-10 năm.
 Cho nên phải hỏi những câu hết sức rõ ràng như: nếu điều trị đúng theo cách bác sĩ đề nghị thì cơ hội bệnh thuyên giảm hoặc mất hẳn là bao nhiêu phần trăm, sống lâu nhất là mấy năm, đa số bệnh nhân sống được mấy năm. Câu hỏi này thật ra bác sĩ rất khó trả lời, một phần vì nó  có thể ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân nếu nói không khéo , một phần vì nó liên quan đến kiến thức của bác sĩ về loại bệnh này.
Bây giờ ta bàn đến vấn đề thứ hai: sau khi đã biết rõ về bệnh tình của mình thì cần bàn bạc với những người thân.
Trị bệnh ung thư là vấn đề lớn đối với bệnh nhân, cần phải có tinh thần, tiền bạc, thời gian. Vì vậy đừng âm thầm tự chịu đựng một mình.  Bàn với người thân như vợ - chồng, con cái, cha-mẹ bạn bè rất tốt giúp ta có chỗ dựa vững chắc về tinh thần  và đôi khi nhận được sự hỗ trợ tiền bạc hoặc công sức chắc chắn sẽ làm nhẹ gánh cho bạn rất nhiều.
BS NGUYEN DUY


No comments: